Đến năm 2025, du lịch Long An phấn đấu thu hút 2.500.000 lượt khách nội địa, 30.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 30%/năm/tổng lượt khách.Tổng thu du lịch đạt trên 2.000 tỉ đồng.
Tiềm năng đa dạng và riêng có
Long An là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp sông nước, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông...
Ông Nguyễn Thành Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An cho biết, Long An có hệ động thực vật phóng phú của hệ sinh thái đầm lầy, hệ thống sông Vàm Cỏ, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước … là tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị để khai thác, tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Long An. Đó là Khu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Khu du lịch Cánh đồng bất tận; Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen đã được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới, có diện tích trên 5.000 ha...
Long An có 125 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích được trùng tu, phục hồi, tôn tạo như Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Bình Thành, Vàm Nhựt Tảo, đình Vĩnh Phong, chùa Tôn Thạnh, lăng Nguyễn Huỳnh Đức, Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm, di tích khảo cổ học Bình Tả,… là điểm dừng chân của đông đảo du khách khi đến Long An.
Cùng với các giá trị du lịch do thiên nhiên ban tặng và có được hình thành bởi bề dày lịch sử phát triển, thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Long An tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đó là du lịch đường thủy sông Vàm Cỏ, du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, du lịch vui chơi giải trí… nhằm thu hút du khách đến với Long An.
Với quan điểm phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy Long An về phát triển du lịch với nhiều định hướng, biện pháp phù hợp.
Cụ thể, Long An sẽ phát triển du lịch theo phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững". Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo ra nhiều việc làm mới, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tỉnh đã và đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số... Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, tỉnh Long An cũng quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Ông Nguyễn Thành Thanh cho biết, công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm triển khai thường xuyên, đặc biệt là công tác quảng bá du lịch ra thị trường nước ngoài. Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành và địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Long An đến thị trường du lịch trong và ngoài nước, góp phần thu hút du khách năm sau cao hơn năm trước từ 30-35%/ năm.
Có thể bạn quan tâm