Tỉnh Long An xác định cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch tỉnh Long An với DĐDN.
>> Long An: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
- Thưa ông, môi trường đầu tư của tỉnh Long An thời gian qua ngày càng được cải thiện, đặc biệt là công tác cải cách hành chính đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua. Vậy ông có thể cho biết, điểm đột phá trong công tác này trên địa bàn tỉnh?
Thời gian qua, công tác CCHC tiếp tục được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch CCHC năm 2022 để tập trung lãnh đạo, điều hành. Từ đó, các sở, ngành tỉnh và địa phương đã ban hành kế hoạch năm và triển khai thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ.
Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh đã ban hành 28 Quyết định công bố 278 TTHC, ban hành mới 87 thủ tục, sửa đổi 119 thủ tục, thay thế 13 thủ tục, bãi bỏ 59 thủ tục thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 14 cơ quan, đơn vị. Số lượng thủ tục được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh là 1.787 TTHC.
Tỉnh đã tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC gắn với giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC như: triển khai các văn bản về số hóa hồ sơ TTHC; đẩy mạnh công tác kiểm soát TTHC, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC …
Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2; 215 DVCTT mức độ 3 (đạt 11%) và 1.248 DVCTT mức độ 4 (đạt 66%), đảm bảo duy trì cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.
Tỉnh cũng tập trung triển khai, đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) từ ngày 26/4/2022; cài đặt, sử dụng App "Long An IOC" phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; tuyên truyền, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân… Đây là cột mốc quan trọng tạo sự lan tỏa giúp Long An từng bước hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Cùng với CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Long An đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, như: Tọa đàm Xúc tiến đầu tư, thương mại với Doanh nghiệp Hàn Quốc; đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản; tiếp Đoàn công tác Thương vụ Đại sứ quán Áo; tiếp và làm việc với Tổng Lãnh sự Ấn Độ… Tỉnh cũng tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật, Úc,… qua đó quảng bá hình ảnh, cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Long An. Đặc biệt, tỉnh Long An đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp như: tổ chức hội nghị đối thoại qua đó tạo niềm tin với doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp tục trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư. Số doanh nghiệp, số vốn dự án đầu tư vào Long An tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong nước, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 77 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký mới hơn 19.556 tỷ đồng, tăng 11.596 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.178 dự án với số vốn đăng ký 220.439 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã thành lập mới 1.275 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký 17.543 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 14.924 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 360.266 tỷ đồng.
9 tháng, tỉnh đã cấp mới 43 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư cấp mới 307,8 triệu USD, tăng 02 dự án so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.152 dự án, vốn 9.963,2 triệu USD, trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.
9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh đạt 9,43%, vượt mức dự báo; các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần lấy lại đà tăng trưởng sau khoảng thời gian bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19, cho thấy chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã phát huy hiệu quả. Với mức tăng trưởng này, Long An đứng thứ 3/8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có chia sẻ gì với các doanh nhân, doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư, phát triển kinh doanh tại địa phương?
Đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân là thông điệp xuyên suốt của chính quyền tỉnh Long An. Với tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cả hệ thống chính trị, với quan điểm nhất quán “xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Chính quyền tỉnh Long An rất trân trọng, luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng hợp tác đầu tư phát triển, cùng thành công tại Long An.
Nhân dịp này, tôi xin chúc cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, ngày càng lớn mạnh, gặt hái nhiều thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và Long An nói riêng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Long An đã có sự phát triển bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Long An kiến tạo nền hành chính phục vụ
18:04, 06/10/2022
Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022
22:00, 17/09/2022
Long An: Giải bài toán lao động cho doanh nghiệp
00:36, 02/09/2022
Long An: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
19:37, 31/08/2022
Để du lịch Long An "cất cánh"
19:42, 31/08/2022