Kinh tế địa phương

Long An phát huy lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư

Thùy Linh thực hiện 29/08/2024 14:53

Long An đang tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng cốt lõi là hình thành “ba vùng - một trung tâm - hai hành lang và sáu trục”.

Ông Út2

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An với Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Út, Quy hoạch tỉnh Long An được xây dựng với tư duy đột phá, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

- Thưa ông, điều gì khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất ở bản Quy hoạch này?

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ) là cơ sở quan trọng để Long An lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TPHCM, vùng Đông Nam Bộ và là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ...

Theo Quy hoạch, cấu trúc không gian tỉnh Long An dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vùng ĐBSCL và phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Các hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”.

trao chung nhan
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Long An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể: TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TPHCM; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng ĐBSCL.

Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 - 4 bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TPHCM, tạo thành khu vực phát triển kinh tế, đô thị giáp TPHCM và ven biển; Hành lang phát triển phía Nam bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TPHCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang qua trục Quốc lộ 50B.

Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu và Vùng đệm sinh thái.

Sáu trục động lực kinh tế gồm: trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4, trục động lực Quốc lộ 50B, trục động lực song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, trục động lực quốc lộ N 1, trục động lực Đức Hòa.

- Để triển khai hiệu quả Quy hoạch, Long An đã lên chương trình hành động ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, công tác triển khai Quy hoạch được cả hệ thống chính trị tỉnh Long An quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sau khi tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An (tháng 7/2023), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TU, ngày 7/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác triển khai Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 02/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong chương trình hành động, tỉnh Long An đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai, bao gồm: Phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội; quy hoạch xây dựng vùng huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

Tỉnh cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai Quy hoạch. Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực xã hội trong thực hiện Quy hoạch.

- Vậy Long An đã đặt kế hoạch huy động các nguồn lực để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh như thế nào, thưa ông?

Về nguồn lực thực hiện Quy hoạch, chủ trương của tỉnh Long An là huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng. Tỉnh kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội” để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Long An đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp với nội dung cốt lõi là hình thành “ba vùng - một trung tâm - hai hành lang - sáu trục” để định hướng cho sự phát triển, thu hút đầu tư, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Quy hoạch tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Long An phát huy lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO