Với trí địa lý chiến lược cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, Long An đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Long An đã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực… tạo động lực thu hút đầu tư.
Ông Trương Văn Liếp - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết, với các giải pháp đồng bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các hội nghị đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư…, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Điều này cũng được chứng minh khi tỉnh Long An có sự bứt phá mạnh mẽ từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI năm 2023 và đạt điểm cao nhất từ trước đến nay với 70,94 điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm giúp nâng cao nhận thức, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. DDCI đã góp phần thay đổi tư duy, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để xây dựng hình ảnh Long An là tỉnh có môi trường đầu tư thân thiện, bình đẳng, an toàn trong mắt các nhà đầu tư.
Cùng với cải thiện môi trường đầu tư, thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh có nhiều đổi mới, hướng đến các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng. Năm 2024, tỉnh tiếp và làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Phòng Thương mại và Công nghiệp Kofu, Hội Công Thương tỉnh Okayama, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và Công nghệ ASEAN - Hàn Quốc, Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và nhóm các đối tác Hoa Kỳ, Trung Quốc về đề xuất các ý tưởng, kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh, tín chỉ carbon, thu hút đầu tư sản xuất vi mạch, chất bán dẫn...
Tỉnh cũng đã tổ chức các hội nghị đối thoại lớn như: hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc; đối thoại với doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Long An; đối thoại với doanh nghiệp tại các huyện, thành phố: Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa, TP Tân An gắn với các hoạt động thăm, động viên doanh nghiệp.
Từ những đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đã được khởi công, như: Nhà máy nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, Trung tâm thương mại Aeon TP Tân An, Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn, các khu đô thị của Ecopark, Vingroup,...
Tỉnh Long An hiện có 19.515 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 392.709 tỉ đồng; 2.250 dự án trong nước với số vốn đăng ký 474.578,3 tỉ đồng; 1.377 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký gần 12,6 tỉ USD, trong đó, có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ USD. Tỉnh cũng là 1 trong 10 địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước.
Ông Trương Văn Liếp cho biết, năm 2024, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh Long An đã tiếp và làm việc với 177 đoàn các cơ quan ngoại giao, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc, khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác giao thương và giao lưu văn hóa. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh chủ động gặp gỡ, mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài đến Long An đầu tư. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Theo ông Trương Văn Liếp, để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, trước mắt, tỉnh Long An sẽ tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và năng lượng tái tạo; đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, đặc biệt là thương mại biên giới, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, Long An cũng đang hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, đa dạng giúp nhà đầu tư dễ dàng tra cứu thông tin về cơ hội đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và duy trì thứ hạng cao các chỉ số quan trọng như PCI, PGI, PAPI, PAR Index, SIPAS hướng tới môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
“Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh Long An thống nhất quan điểm chung “luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, triển khai các giải pháp thiết thực với quyết tâm cao hơn, giải quyết triệt để các “nút thắt, điểm nghẽn”, cùng doanh nghiệp chủ động thích ứng trong tình hình mới” - ông Trương Văn Liếp khẳng định.