Nghề muối ở Nghệ An đang rơi vào tình cảnh khó khăn, bi đát hơn bao giờ hết và có nguy cơ bị mai một, thất truyền kéo theo nhiều hệ luỵ khác nhau... trong bối cảnh hiện nay.
Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước với đường bờ biển dài 82km, bao gồm các huyện, thị nằm ven biển: Cửa Lò, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc. Với lợi thế trên, Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh, thành trong nước có nhiều tiềm năng để phát triển, sản xuất muối. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì toàn tỉnh chỉ có 2 huyện làm nghề sản xuất muối, đó là Quỳnh Lưu và Diễn Châu…
Bấp bênh nghề làm muối
Thời gian qua, nghề muối sản xuất theo phương thức thủ công phơi cát ở Nghệ An rơi vào tình cảnh hết sức bi đát, khó khăn chồng chất. Tình trạng diêm dân bỏ ruộng, bỏ nghề diễn ra ngày càng nhiều, từ đó kéo theo phần lớn đồng muối hiện đang bị bỏ hoang.
Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu, nơi được xem là “vựa muối” lớn nhất của tỉnh Nghệ An khi có diện tích đất sản xuất muối lên đến gần 600ha, tập trung ở các xã Quỳnh Thuận, An Hòa, Quỳnh Thọ,… với 9 làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm trước.
>>"Điểm nhấn" nào để Nghệ An phát triển kinh tế biển?
Tuy nhiên, do cách làm muối ở đây vẫn là cách làm truyền thống, các công đoạn làm muối đều phải dùng sức người nên năng suất còn thấp. Trong khi đó, giá thành bán ra lại quá rẻ, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống nên việc diêm dân bỏ ruộng, bỏ nghề là điều tất yếu.
Hiện nay, hầu hết diêm dân là những người lớn tuổi, gắn bó lâu năm với nghề. Còn lớp lao động trẻ thì hầu hết đều đi tìm công việc khác có thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn để đảm bảo nhu cầu cuộc sống.
Tại xã Quỳnh Lập, một trong những xã nổi tiếng về nghề làm muối ở huyện Quỳnh Lưu khi có tổng diện tích đang sản xuất muối là 116ha, sản lượng hàng năm đạt từ 10.000 – 11.000 tấn với hơn 1.000 hộ làm nghề muối.
Với phương thức làm muối thủ công từ bao đời nay cùng việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng muối không cao, khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Thêm vào đó, thời tiết thất thường cùng giá muối thấp, bấp bênh đã khiến cho nghề làm muối rơi vào tình cảnh bi đát, người diêm dân nay đã không còn mặn mà với nghề nữa.
>>Cách nào vực dậy nghề muối?
“Những năm gần đây, giá muối thô mà người dân bán ra chỉ giao động ở khoảng 2.400 – 2.600 đồng/kg, quá rẻ trong khi các mặt hàng thiết yếu khác lại tăng chóng mặt. Do vậy, khi giá muối xuống thấp, người dân sẽ tìm kiếm công việc khác như đi làm ở công ty hoặc đi biển”, một cán bộ xã Quỳnh Lập cho biết.
Không chỉ huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu cũng đang rơi vào thảm cảnh tương tự. Theo đó, trước đây địa phương này có diện tích sản xuất muối hơn 180ha thì nay chỉ còn có khoảng 100ha đang sản xuất, số còn lại đang bị bỏ hoang hoặc chuyển sang phương thức sản xuất khác…
Khó khăn chồng chất…
Không chỉ giá thành thấp, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nghề muối ở Nghệ An không thể phát triển và cạnh tranh với các địa phương khác.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hệ thống giao thông đồng muối, hệ thống kênh dẫn nước biển phục vụ sản xuất tại một số làng nghề vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, một số mô hình khuyến diêm vẫn đang thực hiện một cách đơn lẻ, thiếu sự đồng bộ, chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thu mua chế biến muối trên địa bàn tỉnh còn có quy mô đầu tư nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu theo dạng sản xuất, chế biến muối công nghiệp. Một số hợp tác xã ở các địa phương có truyền thống làm muối còn hoạt động kém hiệu quả, không đồng đều, chưa tạo lập được mối quan hệ bền vững giữa “Diêm dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp”.
>>Hà Tĩnh: Đổi mới sản xuất để phát triển nghề muối truyền thống bền vững
Chính vì những khó khăn trên, tại cuộc đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp xã hồi đầu tháng 8/2023 vừa qua, ông Lê Khánh Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận đã nói lên nỗi lòng của người diêm dân, với nghề sản xuất muối truyền thống.
Đồng thời, mong muốn rằng: Thời gian tới, tỉnh sẽ có các cơ chế, chính sách quan tâm đến nghề muối và diêm dân; nhất là trong việc hỗ trợ thu mua tiêu thụ, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề sản xuất muối trên địa bàn”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An rất chia sẻ với những khó khăn của nghề muối, của diêm dân và cho biết: “UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết và UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 với 3 dự án. Trong đó, có dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối huyện Quỳnh Lưu với tổng vốn 100 tỷ đồng”.
Ngoài ra, trong đề án có thêm 2 dự án, đó là: Dự án Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối và Dự án phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch.
Bài 2: Khôi phục, phát triển nghề muối bền vững
Có thể bạn quan tâm
“Đòn bẩy” để Nghệ An bứt tốc thu hút vốn FDI
13:35, 31/08/2023
Nghệ An: Tiềm năng, lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư
06:00, 30/08/2023
Doanh nghiệp FDI đến từ Singapore “bén rễ” trên đất Nghệ An
14:59, 29/08/2023
Hà Tĩnh - Nghệ An: Tạo “mắt xích” hệ thống cảng cạn ở tuyến đường huyết mạch nối sang Lào
01:52, 28/08/2023