Lotus sẽ hiện thực hóa giấc mơ mạng xã hội "Made in Viet Nam" như thế nào?

Nha Trang 21/08/2019 11:00

Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm. Dự kiến, mạng xã hội Lotus sẽ ra mắt bản beta vào ngày 16/9 tới đây.

VCCorp mới đây đã cho biết họ đang thử nghiệm mạng xã hội (MXH) của mình sau một năm phát triển. Mạng xã hội này có tên gọi Lotus. 

Tham vọng lớn

Cách đây khoảng 1 tháng, MXH này đã từng xuất hiện phiên bản thử nghiệm với tên gọi VivaVietnam trên kho tải App Store và Play Store.

Tuy nhiên, theo đại diện MXH, tên gọi VivaVietnam chỉ là tên của phiên bản thử nghiệm nội bộ. Chức năng của phiên bản ứng dụng này cũng hạn chế. Dự kiến tới ngày 16/9, Lotus sẽ chính thức ra mắt phiên bản beta cho mọi người dùng.

Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm

Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm.

So sánh với các mạng xã hội khác hiện nay, trọng tâm của Lotus được định hướng là nội dung. MXH sẽ làm việc với các nhà sáng tạo nội dung, các nhãn hàng, những người nổi tiếng để phối hợp đưa ra các nội dung hấp dẫn.

Các nội dung này sẽ có cả những nội dung chia sẻ, xuất hiện trên cả những mạng xã hội khác và có cả những nội dung độc quyền.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp: “Mạng xã hội Lotus tạo điều kiện để các nhà sản xuất nội dung có được traffic (lượt truy cập) có được fan (lượt theo dõi) và họ sẽ kiếm được tiền. Từ đó họ sẽ đầu tư vào nền tảng này để có nội dung tốt hơn và sau đó cả MXH sẽ có nội dung tốt hơn”.

Một điểm đặc biệt khác của mạng xã hội này là token cho người dùng. Mỗi người dùng tham gia MXH với các hoạt động như thích, chia sẻ hay đăng nội dung sẽ được thưởng các token. Người dùng có thể sử dụng token này tạo ra giá trị thật.

Những yếu tố khác thường được người dùng quan tâm như xác thực người dùng, chống tin giả, bảo vệ bản quyền nội dung, MXH này cho biết đã có phương án để bảo vệ các nội dung do các nhà sản xuất đưa lên, đồng thời cũng có các biện pháp kỹ thuật để hệ thống nhận diện những nội dung độc hại được đưa lên. Những thông tin lừa đảo, bán hàng giả cũng sẽ được phát hiện.

Với những vấn đề khác sẽ giống như Facebook, người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mình đăng lên.

Cần may một "chiếc áo" khác biệt

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm nay, Việt Nam sẽ ra đời 5 mạng xã hội mới đều do doanh nghiệp tư nhân xây dựng.

Tính đến cuối tháng 6.2019, số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam khoảng 60 - 65 triệu người, số người dùng YouTube khoảng 30 triệu người. Số người dùng 2 mạng xã hội trong nước là Zalo (VNG) và Mocha (Viettel) hằng tháng lần lượt lên tới 46,7 triệu người và 4,8 triệu người. Như vậy.Facebook hiện vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam. Còn theo số liệu tính đến giữa tháng 7/2019 của Statista, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất với 58 triệu người dùng.

Trước đó, hôm 23-7, một mạng xã hội dành cho giới trẻ Việt Nam mang tên Gapo cũng đã "chào sân". Mạng xã hội này tuyên bố được đầu tư 500 tỉ đồng, đặt tham vọng đạt 50 triệu người dùng trong giai đoạn đầu và được cho là sẽ tham gia cạnh tranh với Facebook, khiến cư dân mạng xôn xao.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên, mạng xã hội Gapo đã gặp phải tình trạng truy cập quá lớn khiến nhiều người không thể đăng ký sử dụng. Nhiều người đã thử rất nhiều lần nhưng đều không thể đăng ký tài khoản trong ngày đầu tiên ra mắt. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều mạng xã hội "made in Vietnam" đã liên tục xuất hiện như VietnamTa, Hahalolo... Do các mạng xã hội này đều được đánh giá là khá giống nguyên bản Facebook, giao diện không thân thiện, tải chậm nên không được nhiều người ủng hộ, sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi nào mạng xã hội trong nước thay thế mạng xã hội nước ngoài?

    Khi nào mạng xã hội trong nước thay thế mạng xã hội nước ngoài?

    10:39, 15/08/2019

  • Thời tiếp thị qua mạng xã hội sắp kết thúc

    Thời tiếp thị qua mạng xã hội sắp kết thúc

    04:25, 15/08/2019

  • Nghiện mạng xã hội - căn bệnh

    Nghiện mạng xã hội - căn bệnh "vô phương cứu chữa" thế kỉ 21

    13:43, 12/08/2019

  • Mạng xã hội Việt “đứng sao cho vững”?

    Mạng xã hội Việt “đứng sao cho vững”?

    01:59, 09/08/2019

Nói về việc phát triển mạng xã hội "Made in Việt Nam", cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình: "Tại sao không nghĩ đến chuyện viết ra một mạng xã hội thay thế Facebook vì triết học của Facebook đã không còn phù hợp với thế giới".

Theo ông hiện có 2,3 tỷ người dùng Facebook tạo ra giá trị nhưng chỉ rơi vào một người là Zuckerberg. Và luật chơi Facebook 2,3 tỷ người này không được phép quyết định.

"Và Facebook đi đến các nước vào bảo tôi không tuân thủ luật pháp địa phương: Tôi có luật pháp riêng của tôi. Tại sao mình không nghĩ ra một mạng xã hội để những người chơi trong đấy quyết định luật chơi của mình và giá trị tạo ra được chia sẻ và tôi đến đâu tôi tuân thủ luật pháp, nhập gia tùy tục", ông Hùng đặt câu hỏi cho các doanh nghiệp CNTT.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt chỉ "copy" ý tưởng của Facebook thì sẽ không "có cửa" thắng được mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

"Facebook họ chi ra chục tỷ (USD) nghiên cứu một năm. Nhưng giả sử mình viết được 1 mạng như Facebook thì đấy là bình thường, mình phải thay đổi triết học của Facebook thì đấy mới là giá trị.

Tức là bây giờ mạng xã hội của tôi giá trị được chia sẻ với tất cả mọi người, mạng xã hội của tôi là luật chơi anh em được quyền quyết định, mạng xã hội của tôi được may đo theo luật pháp địa phương. Ra một mạng xã hội như thế thì may ra mới có cửa thắng. Thế nên may được cái áo giống người khác chưa phải là giỏi, nó phải là may cái áo với một triết học khác thì đấy mới là cửa thành công", Bộ trưởng phân tích.

Nói về việc phát triển mạng xã hội Made in Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết: Nhìn từ góc độ kinh doanh, doanh nghiệp cần phải tạo ra những sản phẩm tốt, phục vụ người dùng tốt nhất có thể.

Chia sẻ về cơ hội cạnh tranh với Facebook, Google của các mạng xã hội Made in Vietnam, ông Liên cho rằng, bản thân các DN Việt Nam khi đầu tư, cần xác định rõ thị trường cạnh tranh, mục tiêu kinh doanh và giới hạn đầu tư của mình.

“Đạt được hiệu quả mục tiêu cũng đã thành công. Không nên quá tập trung so sánh với những người khổng lồ như Facebook, Google. Cũng không nên lo ngại họ sẽ lấy hết cơ hội kinh doanh của mình”, ông Liên đặt vấn đề.

Theo ông, trong quá trình kinh doanh, phát triển mạng xã hội Made in Vietnam, doanh nghiệp nên tập trung vào mục tiêu kinh doanh, nâng cao công nghệ và chất lượng quản trị nội bộ.

“Việc khó lòng cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Google đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải lựa chọn những phân đoạn khách hàng, thị trường nhất định. Nhiều mạng xã hội Made in Vietnam như Viva Vietnam, Gapo tập trung vào nhiều phân đoạn thị trường cụ thể, sẽ thấy chưa hẳn chúng ta đã nhỏ bé hơn so với một vài người khổng lồ.

Việc tập trung tối ưu hoá năng lực cạnh tranh ở một số thị trường sẽ là hướng đi phù hợp với các mạng xã hội Made in Vietnam ”, ông Vũ Hoàng Liên đưa ra so sánh.

Nhận định về triển vọng doanh thu của các mô hình mạng xã hội Made in Vietnam, ông Vũ Thế Bình, TGĐ Công ty Netnam, một chuyên gia trong lĩnh vực CNTT cho rằng, việc đầu tư vào mảng này luôn tiềm tàng thách thức, khó khăn, thậm chí rủi ro về hiệu quả và tính kinh tế, do sự thống trị của các dịch vụ mạng xã hội toàn cầu. Chúng ta cũng không thể tránh được các xu hướng toàn cầu và phẳng hoá.

Ông Bình cũng đánh giá, mô hình mạng xã hội có doanh thu từ quảng cáo là truyền thống và khá phổ biến.

Song bên cạnh đó, cũng có nhiều mô hình khác. Các mạng xã hội Made in Vietnam khi nhắm đến những nhóm đối tượng có những điểm chung chuyên biệt thì hoàn toàn có thể nghĩ đến các dòng doanh thu từ khai thác dữ liệu, cộng tác kinh doanh, trung gian bán hàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lotus sẽ hiện thực hóa giấc mơ mạng xã hội "Made in Viet Nam" như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO