Làm nông nghiệp không phải không thể giàu, nhưng để thành tập đoàn tỷ đô không dễ, ngay cả với một tập đoàn được mệnh danh đứng đầu nền lúa gạo Việt Nam như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (HoSE: LTG).
Mới đây, LTG đã có những quyết định quan trọng để thay đổi hướng đi với quyết tâm chạm mốc 1 tỷ USD vào 2024.
Tín hiệu đi xuống
Người ta biết đến LTG trước hết bởi tư duy nông dân cũng có thể làm chủ (cổ đông) tại doanh nghiệp này. Và bản thân Chủ tịch HĐQT LTG Huỳnh Văn Thòn cũng đậm chất nông dân, luôn nỗ lực phát triển để đưa LTG gắn với các thương hiệu, sản vật gạo ngon của vựa lúa ĐBSCL đến với thế giới.
Chào sàn UPCoM với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên vào 24/7/2017 đạt 58.500đ/cp, cổ phiếu LTG còn đình đám hơn khi cùng với Thế giới Di động (MWG), là hai doanh nghiệp được Mekong Capital khẳng định đã mang về những khoản đầu tư với tỷ suất sinh lời hiệu quả nhất cho họ tại Việt Nam.
Thế nhưng, sự ngời sáng của LTG trong những năm qua đang gặp những thách thức lớn lao để giữ vững phong độ và hơn thế, để vượt qua chính mình. Trong khi đó, doanh nghiệp này lại đang có những tín hiệu đi xuống về kết quả kinh doanh.
37 tỷ đồng là tổng số lỗ ròng của LTG trong quý 1/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này lãi ròng 58 tỷ đồng.
Năm 2019, LTG đã có sự sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận so với năm liền trước. Đặc biệt trong quý I/2020, do ảnh hưởng của COVID-19, công ty lần đầu tiên sau nhiều năm có quý lỗ ròng lên tới 37 tỷ đồng.
Mới đây, LTG đã có những thay đổi nhân sự quan trọng: Ông Huỳnh Văn Thòn sẽ thôi kiêm ghế CEO và “trao kiếm” điều hành cho ông Nguyễn Duy Thuận. Tham gia HĐQT nhiệm kỳ này là 2 hai thành viên mới, trong đó có TS. Philipp Roesler, cựu Phó Thủ tướng CHLB Đức.
Để tiến tới mục tiêu tỷ USD, với kinh nghiệm và quan hệ sâu rộng của ông Rosler, rất có thể bước ngoặt đầu tiên trên hành trình tỷ đô của LTG sẽ là tái cơ cấu hoạt động quản trị tài chính, nguồn vốn. Đặc biệt, kinh nghiệm của ông Rosler hy vọng sẽ góp phần “điều hướng” cải thiện nỗi khổ của LTG hiện nay khi bị chiếm dụng vốn bởi các khoản phải thu luôn rất cao.
Không loại trừ LTG cũng nhắm đến khả năng có những kết nối tài chính quốc tế từ ông Rosler để tạo đòn bẩy vốn giúp Tập đoàn tăng nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm
14:44, 25/05/2020
05:01, 25/05/2020
11:00, 24/01/2020
00:20, 04/07/2019
10:30, 20/05/2019
Mặc dù vậy, nhiều thách thức khác trên con đường tỷ đô đang đến với LTG. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế mà những phản ánh xung quanh các đợt xuất khẩu, đấu thầu thu mua tạm trữ lúa gạo… phụ thuộc lớn vào biến động thị trường, phản ánh nhanh nhạy của các nhà làm chính sách hơn cả sự nhanh nhạy của doanh nghiệp, mới chỉ là một phần. Mặt khác, dịch COVID-19 lẫn biến đổi khí hậu đang và luôn là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro khó lường đối với doanh nghiệp này.
Cơ hội từ cổ phiếu ngành nông nghiệp
Cổ phiếu LTG tại UPCoM từ tháng 12/2019 đến nay đã giảm mạnh, giao dịch dưới mốc 22.000đ/cp, cách rất xa thị giá 68.000đ/cp khi Mekong Capital thoái vốn và phản ánh rõ theo kết quả kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp này. Cổ phiếu LTG chỉ mới xanh trở lại những phiên gần đây.
PAN, DPM, HNG, DCM… cũng đang theo diễn biến kinh doanh trồi sụt. Dịch bệnh và hạn hán – 2 rủi ro chính của ngành khiến lợi nhuận của PAN quý I/2020 giảm sút 61% so với cùng kỳ. DPM hưởng lợi từ giá dầu giảm sâu nên giữ tăng trưởng lợi nhuận, song ngược lại DCM – gắn với vùng ĐBSCL đang gánh chịu thiên tai hạn mặn lớn đã có tín hiệu vùng suy thoái. HNG vào tay doanh nhân Trần Bá Dương, có lỗ ròng hơn 2.300 tỷ đồng năm 2019, lần đầu tiên có lãi trong quý I/2020 nhưng vẫn còn oằn lưng khoản dư nợ xấp xỉ 10.000 tỷ đồng…
Thông tin tích cực cho cổ phiếu ngành nông nghiệp ở năm nay là EVFTA. Theo đó, đầu tư vào cổ phiếu nông nghiệp tại thời điểm hiện nay, một chuyên gia cho rằng tùy khẩu vị nhìn gần hay xa, và rất cần sự kiên nhẫn, sàng lọc, phân hóa.