Lựa chọn xuất khẩu trái cây chiến lược

ĐỨC HẠNH thực hiện 18/09/2023 02:00

Ngành hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục “thẳng tiến” vào các thị trường xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp.

>>Xuất khẩu trái cây nguy cơ mất thị trường

Hiện, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,55 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ và vượt qua kim ngạch cả năm 2022. 

Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, dự báo, xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, nhất là với mặt hàng chủ lực sầu riêng nhờ lợi thế “một mình một chợ” khi mặt hàng này ở các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ.

- Tăng trưởng nhanh cả về sản lượng và giá trị nhưng sầu riêng và một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, thưa ông?

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp và chủ vườn đã tích cực chuyển đổi sản xuất sạch từ khâu canh tác để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, một số sản phẩm trái cây xuất khẩu mới đây đã bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm kiểm dịch thực vật, mã vùng trồng nên chất lượng chưa đảm bảo. Dù số lượng vi phạm không lớn nhưng tác động đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp và thị trường.

Sự việc đáng tiếc cần được chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm khắc, đồng thời cho thấy, cần thiết phải tiếp tục tăng cường kiểm soát, siết chặt quản lý chất lượng từ quy trình sản xuất, tổ chức canh tác theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi nhất để tăng giá trị xuất khẩu rau quả.

- Ngoài vấn đề chất lượng, xuất khẩu trái cây có khả năng bứt tốc nhanh hơn nếu chúng ta khai thác tốt hơn các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, thưa ông?

Với tốc độ tăng trưởng 3 con số (tăng hơn 130%), xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đều ghi nhận mức tăng nhưng so với tiềm năng nhập khẩu còn chưa cao. Đây là dư địa để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cái khó khi mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn, nhất là các thị trường xa như Mỹ, châu Âu. Thứ nhất, các nước có hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong khi sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác. Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu còn dàn trải theo chiều ngang, chưa thực sự lựa chọn được những sản phẩm thế mạnh để khai thác tối đa lợi thế sản xuất. Thứ ba, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sâu chưa hiện đại. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chế biến từ rau quả hiện đạt trên 670 triệu USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022 với nhiều mặt hàng chế biến từ trái cây dưới dạng nước ép, sấy dẻo… đến các thị trường khó tính nên nhưng con số này vẫn nhỏ so với nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, đa phần chúng ta xuất khẩu trái cây tươi, khả năng cạnh tranh không cao do quãng đường vận chuyển dài trong khi thời gian bảo quản ngắn. Cũng do công nghệ bảo quản chưa tốt nên ngay cả thị trường Trung Quốc cạnh tranh cũng không cao, dù kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đứng thứ 3. Hiện trái cây của chúng ta chủ yếu xuất sang các tỉnh, thành đông dân dọc bờ biển Trung Quốc, còn một số địa phương khác ở nước bạn, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa tiếp cận nhiều.

 Xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể lập kỷ lục 5 tỷ USD. Nguồn: TCHQ, Vinafruit

Xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể lập kỷ lục 5 tỷ USD. Nguồn: TCHQ, Vinafruit

>>Khắc nghiệt cuộc đua xuất khẩu trái cây

- Nhận diện những tồn tại, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục thay đổi ra sao để nắm bắt tốt hơn các cơ hội xuất khẩu?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp không nên dàn hàng ngang, xuất khẩu dàn trải vào các thị trường lớn, không mang lại hiệu quả mà lại làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kim ngạch xuất khẩu chung. Cách tốt hơn, chúng ta nên đi theo hàng dọc, lựa chọn sản phẩm trái cây thế mạnh để liên kết bài bản, chặt chẽ với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu và tổ chức trồng trọt sản xuất, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trong ngành đã có khá nhiều thương hiệu doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, tổ chức liên kết sản xuất với nông dân hoặc liên kết hợp tác với các đối tác nước ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại. Vì thế, dễ dàng hơn trong việc xuất khẩu sản phẩm tươi và chế biến sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Ngược lại, khi các doanh nghiệp đầu đàn, am hiểu thị trường, dẫn dắt định hướng, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, chắc chắn sản phẩm đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật của đối tác.

Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; có cơ chế ưu đãi về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu...

Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc thực hiện công việc này rất tốt, theo định kỳ và bài bản nên vừa giữ được thị trường ổn định vừa liên tục gia tăng thị phần. Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung quảng bá tại thị trường truyền thống như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Isarel - thị trường mới ký FTA với Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu trái cây nguy cơ mất thị trường

    05:37, 07/08/2021

  • Xóa bỏ các vấn đề cốt lõi để xuất khẩu trái cây, Indonesia cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam

    01:00, 04/03/2019

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 15/09: Lựa chọn xuất khẩu trái cây chiến lược

    05:25, 15/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lựa chọn xuất khẩu trái cây chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO