Các đối tượng phạm tội thường lấy lợi ích làm mồi nhử, chủ động đưa thông tin gian dối, sai sự thật và hứa thưởng hoa hồng, lãi suất cao nhằm kích thích lòng tham của người dân để huy động vốn…
>>4 chiêu lừa huy động vốn
Đó là chia sẻ của thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm xung quanh thực trạng lừa đảo huy động vốn đang nở rộ hiện nay.
Lấy lợi ích làm mồi nhử
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, các đối tượng phạm tội thường thành lập ra các công ty, tổ hợp kinh doanh… dưới danh nghĩa góp vốn vào dự án, nhận ủy thác đầu tư, mua bán cổ phần, nhượng quyền kinh doanh, đầu tư kinh doanh tiền ảo, đầu tư bất động sản, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thông tin số. Mục đích để huy động tài chính trong xã hội theo mô hình đa cấp.
Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, người phạm tội lấy lợi ích làm “mồi nhử”, chủ động đưa ra các thông tin gian dối, sai sự thật về mô hình tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; về lãi suất và lợi ích khi tham gia kinh doanh; về khả năng sinh lời mà mô hình đem lại… Từ đó, họ kích thích lòng tham, tính hám lợi của người dân, khiến mọi người tin tưởng rồi nộp tiền cho doanh nghiệp để được quyền tham gia kinh doanh.
Ngoài ra, nhằm phát triển mạng lưới đa cấp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, người phạm tội luôn cam kết, hứa hẹn áp dụng chế độ trả thù lao, tiền thưởng, hoa hồng với lãi suất rất cao cho người tham gia khi lôi kéo được thêm người khác cùng đầu tư, kinh doanh trong mạng lưới.
Mới đây, Bộ Công an vừa phải đưa ra cảnh báo về thủ đoạn “gọi vốn” theo phương thức đa cấp có tên “Skyway”. Theo đó, đơn vị này được giới thiệu là tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, được thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân qua hình thức mua các gói cổ phần. Mọi người có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, gói đầu tư cao nhất là 150.000 USD.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng đây là hành vi huy động vốn trái phép, bởi Skyway chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, giới thiệu được nhiều thành viên thì nhận được nhiều hoa hồng. Đây là dấu hiệu của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử...
>>Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hình thức huy động vốn mới
Trong một diễn biến khác, hồi tháng 3/2022 trước đó, TAND tỉnh Hậu Giang đã xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Võ Thanh Long (cựu tổng giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Đáng chú ý, vụ án này có tới 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước đã bị lừa tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Gần 1.000 người là các bị hại, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa.
Giải pháp ngăn chặn
Đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn tội phạm lừa đảo huy động vốn hiện nay, thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện 4 biện pháp tức thời trong khi chưa hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo.
Thứ nhất, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc huy động tài chính, kinh doanh đa cấp tiền ảo, lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán. Đồng thời, cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để phân biệt tiền ảo, tiền điện tử, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp, sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…).
Cuối cùng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tiền ảo, mối quan hệ giữa nó với tài sản thực, tiền thực; vai trò của và tác động của tiền ảo tới pháp luật…để sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.
Bổ sung quan điểm góp ý để ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động trái phép này, luật sư Đào Trung Kiên – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với hoạt động lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo tinh thần Chỉ thị số 21 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2020.
Có thể bạn quan tâm
4 chiêu lừa huy động vốn
11:00, 17/11/2022
Kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản
05:00, 01/11/2022
“Chiêu” huy động vốn bằng Hợp đồng hợp tác kinh doanh
17:00, 20/07/2022
Rà soát loạt dự án huy động vốn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
08:38, 29/05/2022
Cần Thơ: Khó xử lý công ty bất động sản huy động vốn trá hình
14:30, 02/07/2021
TS Cấn Văn Lực: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hình thức huy động vốn mới
12:00, 09/06/2021
Vinhomes huy động vốn bằng nhà của khách
15:23, 30/05/2021