Vấn nạn lừa đảo "việc nhẹ lương cao" giả mạo các trang sàn thương mại điện tử và các thương hiệu lớn vẫn đang diễn ra, những chiêu trò lừa đảo liên tục được thay đổi khiến nạn nhân mất cảnh giác…
>>Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 1: “Thiếu” hiểu biết... “thừa” lòng tham
Những cái bẫy đã giăng sẵn
Theo đó, trò lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn bắt đầu xuất hiện nhiều từ năm 2022 và bùng phát mạnh mẽ thời gian qua. Dù nhiều phương tiện truyền thông, chuyên gia cũng như người dùng đã lên tiếng cảnh báo, đưa ra những trường hợp nạn nhân thực tế với số tiền bị lừa lên tới cả tỉ đồng, tuy nhiên, số lượng nạn nhân của các chiêu trò và biến thể từ hình thức lừa tiền này vẫn không giảm.
Sau thời gian dài "núp bóng" các sàn TMĐT, kẻ gian bắt đầu lợi dụng tên tuổi của những thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế để tạo lòng tin. Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng đã phải kêu cứu khi thương hiệu của mình trở thành "miếng mồi câu" bị sử dụng cho trò lừa tuyển cộng tác viên việc nhẹ lương cao, "ngồi làm ở nhà cũng có thu nhập 500.000 đồng đến cả triệu đồng" mỗi ngày.
Danh sách các thương hiệu lớn liên tục được cập nhật và thay đổi hình thức "cộng tác", từ việc xem video, bấm Like (thích) để tăng tương tác, kiểm tra đường dẫn... đến mua gói ưu đãi đặc biệt, tham gia chương trình ưu đãi, nhận quà tri ân với chi phí 0 đồng.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là đưa tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Khi bị hại liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20%. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên bị hại sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin.
Đến khi số tiền đặt các đơn hàng của bị hại ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở các chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thông báo đến bị hại trúng thưởng một giải thưởng lớn rồi dụ dỗ nạn nhân tham gia làm nhiệm vụ đặt đơn hàng, kiếm tiền online...
Theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Chung (tại TP Tân Uyên, Bình Dương), ông được một tài khoản Telegram tên “TVV T.L” giới thiệu tham gia công tác mua hàng hộ trên internet. Nhiệm vụ của ông Chung đơn giản chỉ là giả đặt mua hàng trên shop điện tử như người bình thường (mục đích là để tăng lượng tương tác), sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được shop hoàn trả lại tiền cùng 20% tiền thưởng.
Mở đầu cuộc chơi, ông Chung được giao nhiệm vụ mua 1 nồi cơm điện với giá 450.000 đồng và chỉ 10 phút sau tài khoản của ông Chung có ngay 540.000 đồng. Phía chủ shop thông báo ông Ch. đã trở thành cộng tác viên chính thức và mức hoa hồng sẽ được nâng lên 25%. Thấy lần đầu quá dễ ăn nên ông Chung không nghĩ ngợi gì mà tiếp tục mua đơn hàng giá cao hơn đến khi gộp cả vốn lẫn hoa hồng được 61 triệu đồng thì không rút tiền về được. Lúc này, “chủ shop” cho biết, tài khoản ông Chung đã bị “đóng băng”, phải đóng phí “mở băng” là gần 52 triệu đồng, nếu không sẽ bị mất hết. Tiếc tiền, ông Chung Làm theo nhưng tài khoản vẫn bị đóng băng và chúng cứ thế dẫn dụ ông Chung để chiếm đoạt gần 1,3 tỷ đồng… và cuối cùng “tiền mất tật mang”.
Trong trường hợp tương tự, ông T.V.U, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương được một đối tượng quen trên mạng hướng dẫn tải app “VFS” rồi tham gia bình chọn bán hàng để được thưởng hoa hồng. Lần đầu ông U. nạp 500.000 đồng để tham gia bình chọn, chỉ cần vài thao tác có ngay 50.000 đồng hoa hồng. Nổi lòng tham, lần kế tiếp, ông nạp 5 triệu đồng thì App thông báo ông vi phạm luật chơi. Nếu muốn lấy lại 5 triệu đồng thì phải nộp vào 25 triệu đồng. Sau đó số tiền cần phải nộp vào để rút số tiền trước ra lần lượt là 65 triệu, 120 triệu, 150 triệu… Đến khi đã nộp vào 525 triệu đồng ông U. mới biết mình đã bị lừa…
>>Nở rộ bẫy lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”
Các chiêu lừa liên tục được thay đổi
Từng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nhiều nạn nhân bị lừa đảo, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, có không ít người đã cẩn trọng kiểm tra thông tin về đơn vị được sử dụng thương hiệu cũng như các bài báo, chia sẻ về hình thức "cộng tác, làm việc tại nhà" xem có phải lừa đảo không. Hay mới đây xuất hiện một số trường hợp đăng ký tài khoản ứng dụng tìm bạn bè, yêu cầu nộp tiền để tạo tài khoản VIP (ưu đãi đặc quyền)... nhưng thực chất chỉ là một chiêu lừa mới cập nhật.
"Họ không tìm ra kết quả về các trường hợp bị lừa từng ghi nhận giống hình thức việc làm thu nhập cao đang được giới thiệu, trong khi thương hiệu lại hoàn toàn có thật, đầy đủ thông tin doanh nghiệp, website... nên tin tưởng tham gia vào đường dây. Điều này cho thấy kẻ gian liên tục thay đổi các nội dung, nhiệm vụ của công việc để tránh bị phát hiện, đồng thời lợi dụng tín nhiệm của doanh nghiệp khác nhằm tăng niềm tin, dễ dàng dẫn dụ 'con mồi' vào cái bẫy đã giăng sẵn. Nhưng trên hết, chúng vẫn đánh trúng tâm lý ham việc nhẹ lương cao, thu nhập mỗi ngày cả triệu đồng mà vẫn vừa làm vừa chơi", luật sư Biên chia sẻ.
Cũng theo vị luật sư này, hầu hết các vụ lừa đảo đều có chung những đặc điểm, đầu tiên là "vẽ" ra một công việc nhàn hạ, có thể làm từ xa, không yêu cầu đóng tiền cọc trong khi thu nhập mang về vô cùng lớn so với mặt bằng chung. Với số tiền được hứa hẹn từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày, nhiều người sẽ mất đi sự tỉnh táo cần thiết để phát hiện ra sự bất thường trong công việc.
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, luật sư Biên cho biết, trên hành trình "tìm mồi", các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân bằng các tin nhắn, ứng dụng OTT, nền tảng mạng xã hội, cuộc gọi trực tiếp đến số di động cá nhân...Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này nhưng dường như đều bị người dùng bỏ qua.
“Các công ty khi tuyển nhân sự đều đăng tải thông tin chính thức trên website của hãng cũng như các trang tuyển dụng việc làm uy tín, không cho nhân viên tạo nhóm hay trực tiếp liên hệ đến số điện thoại ngẫu nhiên để tìm kiếm ứng viên. Đặc biệt, không có doanh nghiệp nào "việc nhẹ lương cao", sẵn sàng trả thu nhập 15 - 30 triệu đồng mỗi tháng cho người làm công chỉ việc ngồi nhà và thưởng thức các nội dung trên internet”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La chia sẻ.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm