Lừa đảo mua bán nhà đất – "trận đồ bát quái"

Đ.K. Hà 20/12/2018 11:20

Các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp thường nhắm vào những người không có nhiều kinh nghiệm mua bán nhà đất, không nắm rõ thủ tục giao dịch, thông tin quy hoạch, dự án, thị trường.

Cơn sốt đất quét qua các tỉnh thành phía Nam mấy năm qua cũng thổi bùng lên vô số hình thức lừa đảo mua bán nhà đất. Một số trường hợp đã bị công an vào cuộc xử lý hay bị báo chí điểm tên, nhưng dường như kết quả chưa mấy "xi nhê". Những vòi bạch tuộc lừa đảo vẫn vươn dài khắp các tỉnh thành, dẹp ở nơi này lại mọc ra ở nơi khác, bị lật tẩy chiêu bài này lại sản sinh ra những chiêu bài khác với mức độ còn cao cấp hơn, trắng trợn hơn nữa.

Các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp thường nhắm vào những người không có nhiều kinh nghiệm mua bán nhà đất, không nắm rõ thủ tục giao dịch, thông tin quy hoạch, dự án, thị trường. Đợt cuối năm này, chúng lại đang tích cực "tung lưới" bủa vây loạt nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư mới, nhà đầu tư ngây thơ.

Những "sàn giao dịch bất động sản" vỉa hè thế này thường ẩn chưa nhiều cạm bẫy

Vì vậy, bài viết này tổng hợp những cạm bẫy của bọn lừa đảo gần đây, để mọi người có thêm kinh nghiệm và tinh thần cảnh giác trước các đối tượng này. Rất có thể chúng sẽ nhanh chóng "biến hình", xoay chuyển sang các hình thức khác, tuy nhiên nắm được các công thức lừa đảo chính của bọn chúng ít nhiều sẽ giúp người mua nhà đất tránh trở thành con mồi oan.

Rao bán đất ở TP HCM, nhưng thực chất bán đất các tỉnh

Đội quân lừa đảo này cực đông, đã hoạt động có hệ thống nhiều năm nay. Chúng rao tin bán đất nền nội thành giá rẻ khắp nơi để thu hút người mua, sau đó ‘lùa’ mọi người xuống mua đất ở các tỉnh.

Bọn chúng sẵn sàng dối trá rằng đất mình rao đúng là đất ở Sài gòn, gửi thông tin bịa đặt về mảnh đất để hẹn dẫn người mua đi xem, lừa dối rằng lên xe đi xem một dự án khác rồi sẽ quay lại ‘mảnh đất giá rẻ’ đó….

Lên xe rồi, bằng nhiều thủ đoạn cài cắm "cò mồi", tung chiêu trò khuyến mãi, kích động lòng tham, rất nhiều người đã bị các đối tượng này dụ dỗ mua mảnh đất ở tỉnh với giá đắt hơn nhiều so với giá thị trường đang giao dịch.

Đất rao một nơi, bán một nẻo

Đất rao một nơi, bán một nẻo

Rất may là ở "mánh" lừa này, mọi con đường đều dẫn tới việc… lên xe đi xem đất. Nên nhận diện những đối tượng này khá dễ, chỉ cần môi giới hẹn đi xem đất vào thứ 7, chủ nhật ở một địa điểm nào đó, hãy dứt khoát trả lời không nếu không muốn bị lừa mua đất ở xa với giá cao.

Trường hợp nếu đã lỡ lên xe rồi, hãy bình tâm và không để mình bị cuốn vào trò lừa của chúng, kể cả có bị đẩy xuống xe giữa đồng không mông quạnh tự đi về (nhiều người đã bị như vậy). Lúc này, chỉ có sự tỉnh táo của chính người mua mới giúp được họ không bị mất tiền mà thôi.

Giấy tờ giả, sổ đỏ giả, dự án giả

Lừa đảo dạng này năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ ở nhiều tỉnh thành. Bọn lừa đảo làm giả sổ đỏ của nhà, đất không có chủ nhà ở, rao bán rẻ rồi nhận cọc và… biến mất. Có trường hợp còn liều mạng đi công chứng mua bán và bị phát hiện ở phòng công chứng, hoặc thậm chí nhận đủ tiền và… tiếp tục làm sổ đỏ giả trao cho người mua mới!

Đặc biệt, đã có vụ lừa đảo trên quy mô lớn, như vụ lừa bán đất dự án Royal Era1 ở Đà Nẵng hay vụ công ty Alibaba lừa bán dự án khu đô thị ở Đồng Nai thời gian gần đây. Đối tượng lừa đảo  thường chọn một dự án của đơn vị khác, sau đó làm giả toàn bộ bản vẽ, giấy phép, hồ sơ phê duyệt…, thậm chí tổ chức cho người mua qua xem thực tế dự án, và bán với giá rẻ hơn vài chục % nên rất nhiều người mắc bẫy. Người mua phần lớn đã trả đủ hoặc gần đủ số tiền mới phát hiện ra mình bị lừa và khả năng đòi lại tiền gần như là vô vọng.

Trước công nghệ làm giả giấy tờ siêu tinh vi như hiện nay, những người quá vội vàng sẽ phải trả giá rất đắt.

Trước công nghệ làm giả giấy tờ siêu tinh vi như hiện nay, những người quá vội vàng sẽ phải trả giá rất đắt.

Để mình không bị rơi vào trường hợp này, người mua cần hết sức cảnh giác với những lô đất rẻ hơn giá thị trường, đồng thời nhất thiết phải đối chiếu thông tin, kiểm tra kỹ lưỡng sổ sách, các yếu tố pháp lý dự án, thông tin chủ đầu tư tại các cơ quan chức năng như sở địa chính phường, quận, sở xây dựng… Không nên nóng vội và chủ quan trong những giao dịch tiền tỉ như thế này, nhất là trước công nghệ làm giả giấy tờ siêu tinh vi như hiện nay, những người quá vội vàng sẽ phải trả giá rất đắt.

Bán không đúng loại đất

Kiểu lừa đảo này rất đa dạng, nhưng chủ yếu là bán không đúng với hiện trạng giấy tờ đất. Chẳng hạn bán đất ở, nhưng thực chất là đất nông nghiệp, đất đang đợi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất vườn, đất công viên, thậm chí đất của… chủ đầu tư khác. Bên bán vẽ ra và cam kết về tương lai, nhưng khi nhận tiền rồi, tương lai… muốn ra sao thì ra!

Rất nhiều người mua đã rơi vào bẫy trong các vụ lừa đảo kiểu này ở nhiều tỉnh thành từ bắc chí nam, nhất là ở các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh… trong thời gian gần đây. Có người mua đất nền, rốt cuộc nhận về sổ đất nông nghiệp, đất rừng, thậm chí có người xác định… chờ hết đời mình cũng không hi vọng gì có sổ. Hi vọng kiện để được bồi thường càng mơ hồ hơn bởi giấy tờ họ nắm trong tay quá yếu về mặt pháp lý, chủ yếu toàn hợp đồng ở dạng đặt cọc, hứa mua hứa bán, hay góp vốn với những điều khoản bất lợi đẩy hết sang phía người mua.

Nhiều lời rao bán đất ở, nhưng thực chất là đất nông nghiệp

Nhiều rao bán đất ở, nhưng thực chất là đất nông nghiệp, đất vườn

Để tránh mắc bẫy, tốt nhất người mua hãy tập trung vào những mảnh đất, dự án đã có sổ đỏ công nhận là đất ở lâu dài. Mua những mảnh đất chưa có sổ, chưa được phê duyệt, tức là đã xác định mình sẽ phải chịu phần rủi ro dù cho có mua đất ở đâu, của chủ đầu tư nào đi nữa hay đã kiểm tra thông tin chắc chắn đến mấy đi nữa.

Một bất động sản bán cho nhiều người

Hình thức này thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng ở những mảnh đất, ngôi nhà đang đợi làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… Vì chưa có giấy tờ, không thể mua bán qua công chứng, nên hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng giấy tờ viết tay. Với một mảnh đất, bọn lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho… bất kì người nào muốn mua. "Đỉnh cao" nhất, một chủ đất ở Bình Chánh TPHCM đã bán miếng đất của mình cho tất cả 8 người mua từ thời điểm 2013 đến nay! Kết quả là, khi bị phát hiện, kẻ lừa đảo ôm tiền cao chạy xa bay, còn những người mua ở lại tiếp tục kiện tụng, tranh chấp không ngừng.

Không chỉ với bất động sản chưa có giấy tờ, một số trường hợp nhà đất có giấy tờ chủ quyền cũng xảy ra lừa đảo. Người bán nhận cọc từ nhiều người mua, sau đó sang tên cho người hẹn công chứng gần nhất rồi mất hút, những người đã cọc sau chỉ còn biết khóc ròng.

Với một mảnh đất, bọn lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho… bất kì người nào muốn mua

Với một mảnh đất, bọn lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho… bất kì người nào muốn mua

Kinh nghiệm rút ra vẫn là chỉ mua bất động sản đã có sổ, đồng thời nên kí hợp đồng đặt cọc ở phòng công chứng, tốt nhất có sự chứng kiến của tổ trưởng dân phố nơi người bán ở và rút ngắn thời gian kí hợp đồng làm thủ tục sang tên.

Đủ loại bẫy khác

Ngoài những hình thức lừa đảo chính kể trên, còn vô số những chiêu thức lẻ tẻ mà các đối tượng lừa đảo sử dụng. Nhiều trường hợp mập mờ thông tin trên sổ. Chẳng hạn người bán xóa thông tin bất lợi như phần thông tin nhà đất nằm trong diện quy hoạch, hay sửa phần sở hữu có thời hạn sang thành sở hữu lâu dài... khi cho người mua xem sổ. Chỉ đến khi sang tên nhận sổ đỏ gốc người mua mới vỡ lẽ nhưng đã quá muộn rồi.

Có những trường hợp tổ chức bài bản lớp lang làm giá dự án, tung hỏa mù thông tin khiến người mua không thể kiểm tra giá chính xác. Hay tạo sốt ảo, câu kéo người mua bằng những cam kết sai sự thực. Cũng nhiều kẻ lừa đảo đóng mác đại gia huy động vốn đầu tư bất động sản lừa những người hoặc quá tin tưởng hoặc quá ngu ngơ. Cá biệt, đã có trường hợp cấu kết với bên công chứng sang tên bất động sản không hợp pháp lừa người mua nhà.

Có thể bạn quan tâm

  • Sự thật đằng sau những dự án rao bán đất nền Nam Đà Nẵng

    Sự thật đằng sau những dự án rao bán đất nền Nam Đà Nẵng

    17:06, 14/12/2018

  • Những dự án bán đất

    Những dự án bán đất "vịt trời" mang tên Nam Đà Nẵng

    16:52, 14/12/2018

  • Vũng Tàu: Cảnh báo nhà đầu tư mua bán đất nền

    Vũng Tàu: Cảnh báo nhà đầu tư mua bán đất nền

    08:12, 19/11/2018

  • “Lật tẩy” chiêu rao bán đất nền giá rẻ

    “Lật tẩy” chiêu rao bán đất nền giá rẻ

    06:00, 11/09/2018

Một trường hợp khác, dù không đủ căn cứ để kết luận là lừa đảo, nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư… khóc thầm. Dự án đã bán hết cho người mua, nhưng trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục và ra sổ, giá đất lên vèo vèo. Vậy là chủ đầu tư xoay xở, thông báo dự án không được phê duyệt, trả lại tiền cho người mua kèm theo chút tiền lãi, rồi lặng lẽ chuyển nhượng hoặc phù phép sang cho công ty khác của mình, sau đó mở bán lại với giá cao ngút trời. Người mua cũ tuy không bị lỗ nhưng coi như mất hết cơ hội thu lời, ấm ức mà không thể làm gì hơn. Tiếc là, con số chủ đầu tư hành xử thế này không hiếm ở TP HCM trong các đợt sốt đất vừa qua.

Tóm lại, lừa đảo bán nhà đất có muôn phương thức, người mua không còn cách nào khác là phải đặt ra những nguyên tắc để tự bảo vệ mình. Cần thận trọng, không nóng vội, không mang tiền khi đi xem đất, chủ động tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, thông tin dự án, nghiên cứu giá đất khu vực xung quanh. Chỉ mua nhà đất đã có sổ, đồng thời kiểm tra thông tin quy hoạch và thông tin sổ ở các cơ quan quản lý của chính quyền, nắm rõ thủ tục mua bán nhà đất, chỉ giao dịch nhà đất qua văn phòng công chứng hợp pháp.

Những nguyên tắc và những bài học kinh nghiệm "nằm lòng" này sẽ là tấm khiên chắn bảo vệ người mua trước muôn trùng bẫy giăng lừa đảo hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lừa đảo mua bán nhà đất – "trận đồ bát quái"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO