Luật Đầu tư công sẽ được sửa thế nào?

NGUYỄN VIỆT THỰC HIỆN 29/10/2018 11:01

Luật Đầu tư công sau 3 năm có hiệu lực đã bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.

Chính vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp quốc hội lần này. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Theo ĐBQH Trần Văn Lâm, Luật Đầu tư công mới được hơn 3 năm mà đã phải sửa cũng là việc làm bất đắc dĩ. Bởi việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giải ngân - làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện đầu tư công trung hạn 5 năm, cho nên luật này phải sửa đã làm ảnh hưởng đến cả nhiệm kỳ.

br class=

Thi công dự án Kè chống xói lở ven bờ biển khu vực xóm Rớ - một trong những dự án sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh: LÊ HẢO

- Vậy theo ông, những vấn đề tồn tại lớn nhất của Luật Đầu tư công sẽ được sửa đổi lần này là gì?

Có mấy vấn đề chính, trong đó đáng quan tâm nhất là vấn đề trình tự thủ tục để phê duyệt, xét duyệt các dự án đầu tư, giải ngân. Bên cạnh đó, Luật này còn mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Khi xây dựng luật này cũng chưa lường hết dẫn đến gây vướng cho các dự án, thậm chí có dự án không thể triển khai được. Ngoài ra là vấn đề phân cấp, phân quyền để quyết định dự án, quyết định đầu tư.

Chỉ mới có 3 năm mà luật đã phải sửa đã thể hiện tính chất quan trọng của luật này, và nếu không sửa kịp thời những vấn đề đang vướng mắc sẽ dẫn đến cả kế hoạch đầu tư công trung hạn có khả năng không thực hiện đúng theo kế hoạch đã đặt ra.

- Thưa ông, được biết có nhiều quan điểm đề nghị phải sửa lại toàn diện luật này, còn quan điểm của ông?

Trong quá trình lấy ý kiến có người đề nghị phải sửa lại toàn diện, nhưng cũng có ý kiến cho rằng luật mới ra được 3 năm chưa có đánh giá, tổng kết mà sửa toàn diện thì vài năm sau lại phải sửa tiếp.

Đây là vấn đề các cơ quan soạn thảo đưa ra để sửa lại, nhưng trên tinh thần vướng đâu sửa đấy để đáp ứng nhu cầu trước mắt, còn lâu dài khi có đủ điểu kiện, đủ thời gian thì sẽ có đánh giá và sửa một cách toàn diện.

- Thực tế cho thấy, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu… Vậy lần sửa đổi này liệu có ảnh hưởng tới những luật hiện hành khác hay không, thưa ông?

Về cơ bản, Luật Đầu tư công là luật ra sau, trong khi các luật khác ra trước mà đang ổn định thì Luật Đầu tư công phải tuân thủ những quy định hiện hành của các luật khác. Những quy định trước đây của Luật Đầu tư công chưa lường hết thì bây giờ phải sửa để cho phù hợp với những luật khác.

- Thưa ông, một điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi, bổ sung của luật này là khái niệm về vốn đầu tư công được sửa đổi theo hướng hai nguồn vốn, trong cân đối ngân sách và ngoài cân đối ngân sách?

Theo tôi, điểm này cũng là phần mà các đại biểu cần thảo luận để làm rõ hơn. Tôi cũng chưa hình dung hết được ý đồ của cơ quan soạn thảo là như thế nào, tới đây sẽ phải thảo luận để làm rõ hơn.

Nhưng phải khẳng định, đã là đầu tư công thì phải lấy từ ngân sách. Mà đã là tiền ngân sách thì phải cân đối theo quy định Luật Ngân sách, không có ai được phép tiêu tiền ngoài dự toán.

Bây giờ lại có những khoản tiền ngoài ngân sách mà không được quản lý hay đưa vào bảng cân đối tài chính ngân sách hằng năm thì là tiền gì tôi chưa hình dung và diễn giải được. Còn đã là tiền nhà nước, quốc gia thì phải đưa vào bảng cân đối tài chính ngân sách hằng năm. Riêng điểm này tôi sẽ có đề nghị thảo luận làm rõ hơn.

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội: Vài điều chưa phù hợp

Trong số 106 điều của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn. Về các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với Luật hiện hành; không quy định thẩm quyền của UBTVQH, điều này là chưa phù hợp với Luật NSNN, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội: Chi tiền của dân phải xin phép cơ quan dân cử

Việc căn cứ vào GDP để nâng tiêu chí dự án đầu tư công phải trình Quốc hội, UBTVQH là chưa hợp lý. Như vậy, tăng quy định nâng số vốn dự án thì số dự án do Chính phủ tự quyết định nhiều lên, điều này là không thực tiễn. Định mức này phải ngày càng giảm khi đại biểu chuyên trách, am hiểu tăng lên. Có thể dự án nhỏ, nhưng nếu Quốc hội đủ năng lực, thời gian thì cần phải xem xét. Chi tiền của dân phải xin phép cơ quan dân cử.

Nguyễn Việt ghi

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Đầu tư công sẽ được sửa thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO