Nội dung mở rộng phạm vi thừa kế phải hết sức cân nhắc, nội dung liên quan đến kết hôn, ly hôn cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
>>Sửa Luật Giao dịch điện tử: Quan ngại điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) chia sẻ với DĐDN bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”.
- Bà đánh giá như thế nào về nội dung mở rộng này?
Đây là một trong những nội dung mới của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội lần này. Đó cũng là xu thế của thế giới, tất cả các giao dịch vừa trên môi trường truyền thống vừa trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, tôi nhận thấy liên quan đến nội dung mở rộng đến phạm vi thừa kế phải hết sức cân nhắc, nội dung liên quan đến kết hôn, ly hôn cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vì trong quá trình giao dịch phải thể hiện được ý chí của người tham gia giao dịch, nhưng khi thực hiện trên môi trường điện tử thì ý chí của người đó có bị ép buộc hay không? Vấn đề này cơ quan soạn thảo cần cân nhắc.
Giao dịch trên môi trường mạng liên quan đến lĩnh vực đất đai thì phải có một cơ sở dữ liệu rất đầy đủ, hoàn thiện, liên thông, thống nhất. Trong khi hoạt động này ở nhiều cơ quan tại nhiều địa phương cũng chưa thực hiện được.
Cho nên, cần có lộ trình để khi quy định của pháp luật được thể hiện trong luật có hiệu lực thì phải đảm bảo sự liên thông, thống nhất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.
-Về nội dung này, bà có nói rằng nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng chưa chưa công nhận giao dịch điện tử ở lĩnh vực đất đai, thừa kế. Vậy, nội dung mở rộng này nếu được áp dụng tại Việt Nam thì sẽ như thế nào, thưa bà?
Thực tế, khi nghiên cứu chúng tôi được biết có một số nước cũng đang thận trọng trong việc quy định đối với việc đất đai và thừa kế, vì liên quan đến ý chí của người thực hiện các giao dịch điện tử này. Và trong quá trình thực hiện cũng cho thấy, giữa cơ quan quản lý với việc thể hiện của người dân cũng chưa thể bao quát hết.
Do đó, trong quá trình thể hiện thì cũng cần phải hết sức thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng về mặt lợi ích cũng như khó khăn, thách thức mà các cơ quan quản lý sẽ gặp phải trong quá trình đã đưa tất cả các hoạt động lên môi trường mạng.
Phải chuẩn bị từ nhận thức, ý thức của người dân, cơ quan quản lý nhà nước đến đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo tính thống nhất, liên thông có thể chia sẻ và thực hiện được trong thực tế.
>>Sửa Luật Giao dịch điện tử: Cân nhắc phạm vi điều chỉnh
>>Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi
- Bà có đề xuất gì với dự thảo này?
Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông-là cơ quan soạn thảo cũng đã nói môi trường thực ra sao thì môi trường mạng cũng như vậy. Đối với môi trường thực thì các hoạt động này cũng đã diễn ra từ rất lâu, do đó theo tôi trong thời gian tới chúng ta cũng nên mở rộng hoạt động này trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, cần thiết phải có lộ trình quy định, tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng đối với các cơ sở hạ tầng của các bộ, ngành, địa phương. Nếu trong thời gian luật có hiệu lực mà chưa chuẩn bị được thì sẽ quy định ở điều khoản chuyển tiếp, có độ trễ để từ đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuẩn bị để sau khi có một khoảng thời gian đủ đảm bảo thực hiện được trong thực tế thì sẽ thực hiện.
Về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử (Điều 35), đề nghị bổ sung các quy định về một số nội dung như thời điểm hiệu lực, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu, cách thức xử lý trong trường hợp phát sinh lỗi khi nhập thông tin trong giao kết hợp đồng điện tử để đảm bảo giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử.
Với tính chất đặc thù trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, một số trường hợp yêu cầu Hợp đồng thế chấp tài sản phải có công chứng bởi tổ chức hành nghề công chứng, trong khi đó Luật Công chứng hiện hành chưa có quy định về công chứng thông điệp điện tử. Do đó, việc áp dụng Hợp đồng điện tử đối với các loại hợp đồng yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật hiện hành chưa thực hiện được.
Về chữ ký điện tử, cần phân biệt rạch ròi giữa “Chữ ký số dùng riêng, Chữ ký số công cộng, Chữ ký số chuyên dùng cho Chính phủ”. Nghiên cứu thay tên Điều 26 “Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng “Chữ ký số chuyên dùng công vụ” để phù hợp với phạm vi sử dụng chữ ký số chuyên dùng hiện nay gồm cả cơ quan Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
11:30, 11/11/2022
04:00, 02/11/2022
00:06, 24/10/2022