Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Nghị quyết 42 tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào Hệ thống Tòa án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng...
>> Mua bán nợ xấu "bít đường", ngân hàng và VAMC ráo riết tìm lối thoát
Theo đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng đã giảm từ 1,99% vào cuối 2017 xuống 1,9% năm 2018 và 1,63% năm 2019.
Tuy nhiên đến nay, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm những đơn vị là khách hàng trực tiếp của các ngân hàng. Con số nợ xấu đang tăng trở lại lên 1,69% vào cuối 2020 và lên 1,9% cuối tháng 9 năm nay, gần như quay lại mức của năm 2017.
Trước tình hình nợ cũ xử lý chưa xong, áp lực nợ xấu mới lại đè nặng, các tổ chức tín dụng đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ và sự cần thiết Luật hóa quy định này. Bởi trong suốt quá trình tái cơ cấu các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 42 đã giúp đạt một số kết quả tích cực nhưng sẽ hết hiệu lực vào năm tới. Do đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ và Quốc hội để sớm Luật hóa Nghị quyết 42.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành. "Khi đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD và công ty quản lý tài sản (VAMC), cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD", đại diện NHNN nhấn mạnh.
Vì vậy, NHNN, VAMC và các TCTD đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu với phương án như sau:
Một là, đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại NQ42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc như: Quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm; có quy định loại trừ không áp dụng quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn; bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính...
Hai là, NHNN đề xuất là trong trường hợp Quốc hội không đồng ý việc xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, đồng thời tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của các cơ chế về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42, NHNN đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục có hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 3 năm. Trong thời gian đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD để đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật.
>> Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42
Luật hoá thế nào thì phù hợp?
Trước đó, nhiều ngân hàng cùng có ý kiến rằng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 gặp rất nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm. Dù Điều 8 Nghị quyết 42 đã cho phép, song số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu nói chung, cũng như hiệu quả của biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 nói riêng.
Theo LS. Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV cho hay, sau 4 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, cho đến nay, chưa có vụ việc nào của BIDV được Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo trình tự rút gọn và tại các ngân hàng khác cũng vậy. Đến nay, ghi nhận duy nhất có ngân hàng SCB thực hiện được duy nhất 1 vụ theo thủ tục rút gọn tại toà án.
Ông Trần Phương, Uỷ ban chủ nhiệm chính sách (VNBA), đồng thời là đại diện của BIDV cũng kiến nghị rằng, cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để giải quyết các nghiệp vụ xử lý nợ, tăng cường các hoạt động online, tránh tình trạng đình trệ tiếp nhận hồ sơ giải quyết, tạo lập và thúc đẩy thị trường mua, bán nợ...
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xử lý rốt ráo nợ xấu, hình thành và phát triển thị trường nợ xấu, cần phải nhanh chóng luật hóa Nghị quyết 42 để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để bộ luật có tính mạnh mẽ hơn. Việc có hành lang pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cũng khẳng định, cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Trong đó, cần sửa đổi, triển khai, hiện thực hóa thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 42 và 03 cho các khoản nợ xấu cho vay từ 15/8/2017 các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2022.
“Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào Hệ thống Tòa án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn. Giờ không làm ngay thì lại không kịp”, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 12/11/2021
16:40, 11/11/2021
05:20, 04/11/2021
05:30, 11/10/2021