Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là cần thiết để quản lý thuế, tránh trường hợp trốn thuế hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
10:52, 30/05/2019
06:00, 25/05/2019
-Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Vì sao?
Việc Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là cần thiết để quản lý thuế, tránh trường hợp trốn thuế hiện nay.
Nhiều khoản giao dịch của doanh nghiệp, thay vì chuyển vào tài khoản của công ty, lại được chuyển vào tài khoản cá nhân của những người liên quan tới doanh nghiệp, điều này làm thất thoát khoản thuế.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin tài khoản cũng giúp việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Ở Việt Nam hiện nay, hình thức kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển, vì thế vấn đề quản lý thu thuế đối với hoạt động này lại cần phải đặt ra. Điều này vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa đảm bảo bình đẳng giữa hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT.
Để đưa vào khung khổ pháp lý, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bổ sung thêm nội dung quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Hiện nay chúng ta cũng đã có thông tư quy định về hoạt động kinh doanh TMĐT, nhưng chưa đưa vào luật. Thực tế đó cho thấy, vai trò của ngân hàng trong việc xác định các giao dịch, từ đó xác định nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT là rất quan trọng.
Do đó, việc đưa vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin khách hàng là rất cần thiết để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
- Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có đề xuất các nguyên tắc để quy định cụ thể các nội dung liên quan trong dự thảo luật, như: áp dụng nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức khi xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro... Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Việc tiếp tục sửa đổi Luật Quản lý thuế là cần thiết để tạo được một môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tăng cường thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
TMĐT của các tập đoàn đa quốc gia có lợi nhuận phát sinh từ Việt Nam thì Việt Nam được phép thu thuế đối với toàn bộ giá trị phát sinh này.
Tuy nhiên, chúng ta nên đẩy mạnh “thu tại nguồn” để giúp hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác, làm xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn này.
- Theo ông, việc áp dụng nguyên tắc tính thuế trên cơ sở bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã phản ánh những thông lệ và nguyên tắc tốt, ví dụ như những nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này tại Việt Nam, vẫn còn một số vấn đề cần xem xét vì là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào luật.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc áp dụng nguyên tắc tính thuế này, vì vậy tôi đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc để có quy định phù hợp với tình hình Việt Nam.
- Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đã kéo dài thời gian khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân thêm 30 ngày (từ 90 ngày lên 120 ngày). Đồng thời, quy định người nộp thuế không phải tính chậm nộp, không phải kê khai bổ sung thuế trong trường hợp cơ quan quản lý thuế cấp dưới ra quyết định xử phạt không đúng… Theo ông những quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho người nộp thuế?
Thông thường ngày 31/03 năm sau là thời hạn chậm nhất nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm trước.
Để cải cách việc quyết toán thuế TNCN theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế, quy định như dự thảo là một bước tiến mới trong việc thực hiện chủ chương của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, quy định người nộp thuế không phải tính chậm nộp, không phải kê khai bổ sung thuế trong trường hợp cơ quan quản lý thuế cấp dưới ra quyết định xử phạt không đúng… đã cụ thể hóa nguyên tắc bản chất quyết định hình thức đã đề cập trên đây.
- Ngoài nội dung mang tính tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng bổ sung thêm quyền cho người nộp thuế: được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Dự thảo Luật sửa đổi đã đưa thêm quy định này đã cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ bằng hành động cụ thể là xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch.
Quy định này ngoài việc thực hiện việc cải cách hành chính nói chung, đây còn là quy định mang tính công bằng giữa hai chủ thể: người nộp thuế và cơ quan thuế, nhằm hạn chế tình trạng gây khó khăn cho người nộp thuế vẫn còn xảy ra.
Việc các doanh nghiệp nộp thuế thì dễ, hoàn thuế thì khó vẫn còn xảy ra nhiều, vì vậy, việc luật hóa các quy định về hoàn thuế nhằm công khai minh bạch quá trình này là cần thiết.