Lùm xùm BOT Quốc lộ 2 Nội Bài - Vĩnh Yên: Vì đâu nên nỗi?

GIA NGUYỄN 20/10/2020 04:50

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo được dư luận xã hội đưa ra, thế nhưng, công tác quản lý các dự án BOT vẫn còn đó nhiều tồn tại, đáng nói, từ sự thiếu minh bạch, công khai đã dẫn tới nhiều hệ lụy…

Xoay quanh câu chuyện chủ đầu tư BOT Quốc lộ 2 Nội Bài - Vĩnh Yên “dọa” khởi kiện cơ quan quản lý Nhà nước nếu bị dừng thu phí, hàng loạt những tồn tại đang dần hé lộ, trong đó, thời hạn hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) với nhà đầu tư chưa hết, thế nhưng, lợi nhuận thu về sau rà soát đã vượt xa tính toán ban đầu… “lỗ hổng” từ đâu?

Theo hợp đồng điều chỉnh số 8219/GTVT-KHĐT ngày 20/12/2007 được ký giữa Bộ Giao thông Vận tải và Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2, dự án có thời gian thu phí hoàn vốn 13 năm 7 tháng và thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm 6 tháng, dự kiến kết thúc vào tháng 1/2025 với giá trị quyết toán phần vốn BOT là 491,2 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 156 tỷ đồng.

Không ít nghi vấn được đặt ra xoay quanh câu chuyện nhà đầu tư

Không ít nghi vấn được đặt ra xoay quanh câu chuyện nhà đầu tư "dọa" kiện cơ quan quản lý Nhà nước tại dự án BOT Quốc lộ 2 Nội Bài - Vĩnh Yên - Ảnh: ANTĐ

Từ quyết định tạm dừng thu phí vào cuối ngày 13/10/2020 của Cục Quản lý đường bộ 1 – Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ đầu tư tiếp tục có phản ứng.

Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục muốn đàm phán với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để xác định chính xác thời điểm dừng thu phí và thực hiện thủ tục chuyển giao công trình dự án theo đúng quy định tại hợp đồng dự án, quy định pháp luật có liên quan, trong khi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tính toán, hết ngày 13/10/2020 nhà đầu tư đã thu đủ lợi nhuận(?).

Tại báo cáo gửi Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ cho rằng, dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư phê duyệt điều chỉnh là 772,753 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 496,712 tỷ đồng; vốn NSNN tham vào dự án là  276,042 tỷ đồng, thời gian bắt đầu thu phí là 15/8/2008.

Tuy nhiên, số thu tại dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên đã rà soát đến 31/8/2020 là 1.332 tỷ đồng, "Do số thu thực tế cao hơn so với số thu theo hợp đồng đã ký nên thời gian thu phí hoàn vốn của dự án rút ngắn so với dự kiến trong hợp đồng", đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Nguyên nhân nào dẫn đến những xung đột lợi ích nêu trên? Phải chăng, khi ký kết hợp đồng, cơ quan quản lý Nhà nước đã để lại nhiều “lỗ hổng”?

Việc nhà đầu tư

Việc nhà đầu tư "dọa" khởi kiện cơ quan quản lý Nhà nước, được cho xuất phát từ những "lỗ hổng" trong hợp đồng ký kết chưa tính toán hết được chi tiết dự án - Ảnh: intrernet

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thành Luân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, có việc chủ đầu tư dọa kiện cơ quan quản lý cho thấy, trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý còn nhiều kẽ hở, thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, dẫn tới những tranh chấp khó xử lý.

Theo Luật sư Luân, về nguyên tắc, khi dự án được lập, Tổng cục đường bộ phải là cơ quan đứng ra thẩm định, tính toán lại tất cả các điều kiện để thực hiện dự án, từ điều kiện kỹ thuật đến điều kiện kinh tế, trong đó phải nhận dạng được tất cả những tiềm năng cũng như rủi ro nếu dự án được thực hiện. Một trong những yếu tố quan trọng là lưu lượng xe phải được tính toán và dự báo tốt để từ đó trong hợp đồng đưa ra các phương thức xử lý, điều hành hài hòa, thuận lợi, tránh xảy ra những xung đột lợi ích về sau.

“Nếu tranh chấp tại dự án này phải giải quyết bằng cơ chế Tòa án, phán quyết của Tòa án sẽ là cơ sở cuối cùng buộc các bên phải thực hiện.

Trường hợp, nhà đầu tư tiếp tục được thu phí thì trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý đã không làm tốt công tác thẩm định, đánh giá gây ra những thiệt hại không thể lường trước, nếu là do chủ đầu tư sai, chủ đầu tư sẽ phải dừng thu phí theo đúng quy định của hợp đồng.

Còn trong trường hợp làm rõ được có dấu hiệu móc nối, lợi ích nhóm thì phải xử lý trách nhiệm nghiêm minh với cả hai bên để làm gương”, Luật sư Luân nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Không nên dùng ngân sách mua lại các dự án BOT

    Không nên dùng ngân sách mua lại các dự án BOT

    04:00, 15/10/2020

  • Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Làm khó người dân, doanh nghiệp

    Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Làm khó người dân, doanh nghiệp

    04:20, 07/10/2020

  • Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Bài toán

    Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Bài toán "đầu tư - thu phí"

    04:00, 08/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lùm xùm BOT Quốc lộ 2 Nội Bài - Vĩnh Yên: Vì đâu nên nỗi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO