EVN vẫn không thể thanh toán tiền cho người bán điện. Việc chậm thanh toán đã gây rất nhiều khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư, do nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con.
Dù quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam” đã được ký ban hành hơn 5 tháng nhưng nhiều trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán điện.
Nguyên nhân của bất cập trên chính là việc các cơ quan liên quan của Bộ Công thương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lúng túng trong việc phân loại và chưa dám áp dụng việc mua bán, áp giá đối với loại hình trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh điện mặt trời.
Có quá máy móc?
Trước tình trạng thiếu nguồn cung điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tham gia vào phát triển các nguồn điện. Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về: Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam” đã tạo một luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt là nhiều mô hình năng lượng mặt trời kết hợp với trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp năng lượng mặt trời được đầu tư xây dựng theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về khuyến khích các dự án điện mặt trời. Sau khi hoàn thành, dù phải mất thêm gần một năm trời để đón nhận hướng dẫn chi tiết của quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng các nhà đầu tư vẫn vui vẻ và phấn khởi chờ đợi và đón nhận.
Tuy nhiên đã hơn 5 tháng trôi qua, mặc dù nhiều chủ dự án dù đã ký thỏa thuận mua bán điện, đã cung cấp lên lưới điện quốc gia, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn không thể thanh toán tiền cho người bán điện. Việc chậm thanh toán đã gây rất nhiều khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư, do nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con.
Nguyên nhân chính của sự chậm trễ khiến các nhà đầu tư bức xúc được EVN lý giải là do Chính phủ mới chỉ cho phép cho việc mua bán điện mặt trời áp mái, tức là hệ thống điện mặt trời bắt buộc phải áp trên một mái nhà hay mái công trình xây dựng. Đằng này điện mặt trời kết hợp với trang trại sản xuất nông nghiệp chỉ có duy nhất hệ thống pin mặt trời được lắp đặt trên cùng và đây cũng được hiểu chính là mái của công trình, dẫn đến EVN không dám tự tiện áp dụng?. Với những lý lẽ đó, EVN chưa có căn cứ hướng dẫn để thanh toán tiền điện cho các nhà đầu tư mặt trời kết hợp với trang trại sản xuất nông nghiệp?.
Ông Trần Anh Đông – Giám đốc Công ty Giải pháp Điều khiển và Tự động hóa cho rằng: “Với điện mặt trời mái nhà, không giống như điện mặt trời nối lưới (solar farm), EVN không phải đầu tư gì cả vì nó nối lên lưới trung áp 22 kV và 35kV đã có sẵn, phủ khắp nơi. Thêm vào đó, điện mặt trời mái nhà không làm mất đất sản xuất nông nghiệp, không làm mất sinh kế của người nông dân, không làm sa mạc hóa đất đai... Đối với các mô hình trang trại nông nghiệp, nếu thêm tấm lợp mái chỉ làm “triệt tiêu” sản xuất nông nghiệp bởi hạn chế ánh sáng sẽ làm cho nhiều loại cây trồng không phát triển được, tấm lợp còn làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của tấm pin quang điện”.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS. Đặng Đình Thống (Hội Khoa học Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả) cho biết: “Trên thế giới đang phân loại 3 loại điện mặt trời: điện mặt trời mặt đất (lắp đặt trên mặt đất), điện mặt trời mái nhà (lắp đặt trên mái nhà), điện mặt trời nổi (lắp trên mặt nước). Riêng với điện mặt trời mái nhà, tất cả hệ thống nguồn điện mặt trời nào mà có dạng pin sản xuất lắp trên mái đều được gọi là điện mặt trời mái nhà".
Liệu có nên quy định “cần mái”?
Ông Đồng Thanh Tùng – chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN đang cần nguồn điện, nên điện mặt trời dù được làm trên mặt đất, trên mặt hồ, trên các công trình nông nghiệp, công trình thủy lợi… mà người dân tận dụng được nguồn lực của đất, cơ sở hạ tầng, không lãng phí là cần được hết sức khuyến khích. Còn giá quy định như thế nào là do Nhà nước tính toán sao cho đủ khuyến khích cho người dân đầu tư, chứ không phải căn cứ vào quy định có hay không có tấm lợp mái.
“Với một mức giá khuyến khích, sẽ có nhiều người dân có thể tham gia bỏ tiền đầu tư, không như điện mặt trời nối lưới không phải ai cũng có tiền để đầu tư”, ông Tùng nhấn mạnh.
Việc có nhiều cách hiểu khác nhau về điện mặt trời mái nhà đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư, cũng như tiềm năng phát triển loại năng lượng này trong tương lai. Mặc dù mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước coi là một mũi tên trúng nhiều đích nhờ tối ưu hóa được nguồn tài nguyên đất đai và nhu cầu sử dụng điện tại chỗ.
Một sự “cứng nhắc” trong tư duy quản lý và làm chính sách đã bộc lộ rõ. Việc “thêm mái” chẳng những không tạo thêm giá trị gia tăng nào cho các dự án mà còn làm thiệt hại cả ngành nông nghiệp cùng với sinh kế của đông đảo người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bức xúc: “Việc “có thêm mái” có thực sự cần thiết hay không hay chỉ làm tốn thêm tiền đầu tư, làm giảm hiệu suất của các tấm quang điện và quan trọng hơn cả là các tấm lợp này sẽ giết chết luôn các cây trồng nông nghiệp. Hiệu quả không thấy đâu nhưng thiệt hại về kinh tế, môi trường là thấy rõ”.
Trong giai đoạn hiện này, cả thế giới đang rất nỗ lực nghiên cứu để áp dụng mô hình Quang nông (APV – Agriculture Photovoltaic, tức là sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất năng lượng mặt trời). Đây là một hướng phát triển phù hợp với xu hướng của thế giới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Xu hướng thế giới đang rất nỗ lực để thiết kế những tấm lợp nhà tích hợp năng lượng mặt trời, hạn chế sử dụng tài nguyên, xây dựng những công trình bền vững, thân thiện với môi trường. Yêu cầu phải bổ sung tấm lợp thì mới ký Hợp đồng mua bán điện đồng nghĩa với tiêu hao thêm rất nhiều năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khác, gây lãng phí tốn kém không đáng có.
Có thể bạn quan tâm
Cần chấn chỉnh lại các dự án điện mặt trời áp mái
10:07, 07/09/2020
Quy định vô lí về 1 MW điện mặt trời áp mái
21:01, 21/07/2020
Điện mặt trời áp mái cần có chính sách sát thực tiễn
05:00, 19/05/2020
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái
11:15, 09/05/2020
Hà Nội sẽ có thể có thêm 1500MWp điện mặt trời áp mái
11:46, 12/03/2020