Bối cảnh đặc biệt của COVID-19 và những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2021 cần cân nhắc kỹ.
Hôm nay (23/6), Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 với hình thức họp kín.
Được biết, tại phiên họp này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghe Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng trình bày báo cáo phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021. Sau đó lần lượt là nghe phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021 của đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động. Sau đó Hội đồng sẽ thảo luận về các phương án này.
Trao đổi với DĐDN trước phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thời gian gần đây tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã khiến việc đáp ứng, duy trì mức tăng lương tối thiểu vùng 5,5% là rất khó khăn.
“Do đó, nếu mức lương tối thiểu vùng tiếp tục được điều chỉnh tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn chồng khó khăn. Mục tiêu bảo vệ doanh nghiệp, hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch sẽ không đạt được”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp đứng trước bài toán duy trì hoạt động và trả lương cho người lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tính tới phương án cho người lao động nghỉ việc luân phiên. Người lao động và doanh nghiệp đều mong muốn tình hình ổn định trở lại như trước đây.
"Vì vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2021 cần cân nhắc kỹ", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Trên thực tế, chia sẻ với DĐDN về những khó khăn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 100% doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.
Qua khảo sát của VITAS, 5 tháng đầu năm, tăng trưởng của doanh nghiệp dệt may -15,5%, trong khi đó, mức tăng bình quân mỗi năm trước đó là 9-10%.
“Nói như vậy để thấy, ngành top đầu của xuất khẩu Việt Nam-ngành dệt may đã chịu tác động tới 25%. Mức độ ảnh hưởng lớn do thiếu nguyên vật liệu trong 3 tháng đầu năm, mức độ giảm lớn hơn ở tháng 4 và tháng 5 do nhu cầu của các thị trường lớn sụt giảm, giãn hoãn đơn hàng hay chậm hoặc không thanh toán xảy ra, trong đó tháng 4 giảm khoảng 20% và tháng 5 giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2019”, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm nay, thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động có khác với những năm trước, đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 sẽ được bàn thảo nhiều trong phòng đàm phán.
“Cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt. Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động, trong mối quan hệ với sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Trước đó, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 đã ở mức 5,5% so với năm 2019, tức là tăng từ 150.000-240.000 đồng/người/tháng, tuỳ thuộc 4 vùng lương trong cả nước.
Đây cũng là căn cứ để Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2020, như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 03/06/2020
12:49, 09/05/2020
06:23, 08/04/2020