Tại phiên họp thứ hai Hội đồng Tiền lương, đại diện người sử dụng lao động, VCCI đề xuất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 mức tăng trên dưới 4%.
>>>Chính thức "chốt" cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024
Sáng nay 20/12, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động.
Hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Còn lương tối thiểu giờ vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Theo đó, phát biểu tại Phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 chưa đạt kỳ vọng, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2.19% và 1.57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy 50% doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm doanh thu từ 10% - 40%, so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2022, 44% doanh nghiệp dệt may/da giày và 35% doanh nghiệp vật liệu xây dựng sụt giảm 20% - 40% doanh thu; ngành gỗ nhu cầu giảm 25%, doanh thu mặt hàng ô tô giảm 30%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do VCCI cấp đã giảm từ 10-25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của việc giảm số lượng C/O được cấp do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát tại các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh việc tuyển mới lao động, tình trạng công nhân nghỉ việc vẫn diễn ra, số người lao động nghỉ việc nhiều hơn hoặc gần bằng số lao động các công ty tuyển mới, tình trạng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI có số lao động biến động hàng tháng. Nguyên nhân dẫn đến việc người lao động bị cắt giảm giờ làm là do các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số đơn vị, doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, trong khi hàng sản xuất ra tồn kho nhiều...
Từ bối cảnh đó, phân tích những khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phòng cho biết, thứ nhất, doanh nghiệp gặp áp lực nguồn vốn. Cụ thể Tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh kỷ lục, lãi suất cho vay bằng USD cao cho thấy áp lực dòng tiền tiếp tục nổi lên là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp.
Thứ hai, khó khăn về thiếu đơn hàng phần lớn do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát tại các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước tình trạng trên nhiều doanh nghiệp không thể gồng gánh chi phí vận hành quá lớn, dẫn đến phải cắt giảm nhân sự là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải.
Thứ ba, khó khăn của các doanh nghiệp còn được phản ánh qua số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2023 tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh.
Đề xuất mức tăng 4%
Bên cạnh đó, xu hướng tại Việt Nam năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo vẫn còn tiếp diễn khi có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tăng lên so với năm 2023. Hiện nay, do tình trạng khó khăn kinh tế vẫn còn tiếp diễn, các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, nội thất… chỉ mới có đủ đơn hàng cho lao động hiện có, và nhu cầu tuyển dụng mới là rất ít. Một số ngành chế biến, chế tạo khác cần tuyển thêm lao động cho những tháng cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm, khó khăn trong tuyển dụng lao động vẫn xảy ra.
Trong khi đó, về tình hình điều chỉnh lương tối thiểu tại các nước trong khu vực ASEAN, ông Phòng cho biết tương tự như Việt Nam, trong nhưng năm gần đây nhiều nước trong khu vực không thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm và cũng kéo dài khung thời gian áp dụng lên từ 1,5 - 2 năm. Tuy nhiên hiện nay một số nước đã có kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng trong năm 2024 như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippine và điều chỉnh dao động ở mức 2-3%.
Do đó, VCCI thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu và đề xuất tăng bình quân 4,0% - 4,5% để đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có chính sách đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu duy trì việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/7/2024 để đồng bộ vời thời điểm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất khoảng 6,5 - 7,3% trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội nhiều mặt.
Có thể bạn quan tâm
14:26, 18/12/2023
00:06, 18/09/2023
15:28, 09/08/2023
00:06, 01/08/2023