Năm 2019 đã qua đi, chắc hẳn không nhiều nhà đầu tư cá nhân “bội thu” từ đầu tư cổ phiếu, trong khi nhiều quỹ đầu tư lại tối đa hóa được lợi nhuận.
Vậy các nhà đầu tư cần áp dụng chiến thuật nào để “lướt sóng” cổ phiếu thành công trong năm 2020?
Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm 2019, hiệu suất đầu tư của quỹ VEIL của Dragon Capital tăng khoảng 7%, VOF của Vinacapital đạt 2,7%, Quỹ đánh game nâng hạng Tundra đạt 6,7%...
Để tránh bị ngã khi “lướt sóng” trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, các nhà đầu tư cần hiểu rõ bản chất của thị trường. Về bản chất, TTCK Việt Nam là thị trường cận biên, nơi mà các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, luôn bị tác động mạnh bởi những thông tin bên lề. Trong khi đó, thị trường vẫn
thiếu sự minh bạch cho dù nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực nhưng không thể bù đắp toàn diện thị trường. Chỉ 2 yếu tố này thôi cũng đủ khiến thị trường phần nào bị “méo mó”. Bởi vậy, áp dụng quá nhiều lý thuyết cho dù đúng vẫn khó thành công trên TTCK Việt Nam. Bằng chứng là, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019, nhưng giá cổ phiếu vẫn rớt giá thê thảm.
Thống kê cho thấy số cổ phiếu tăng giá do tác động từ kết quả kinh doanh (KQKD) của doanh nghiệp chỉ đếm đầu ngón tay, gồm các cổ phiếu FPT, VCS, MWG, VCB, trong khi số cổ phiếu giảm giá chiếm tỷ trọng vô cùng lớn. Thậm chí, các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%, nhưng giá nhiều cổ phiếu vẫn “thủng đáy”. Đó là những ngành tích cực, còn những ngành kém tích cực như phân bón, thủy sản, xây dựng…, giá nhiều cổ phiếu còn không thấy đáy. Chứng kiến thị trường, không ít NĐT “gạo cội” còn phải thốt lên: “Thật không thể hiểu nổi!”.
Trước nghịch cảnh trên, dù các NĐT cá nhân thua lỗ, nhưng nhiều quỹ đầu tư vẫn đạt được mức tăng trưởng dương dù không lớn. Sở dĩ như vậy là do các quỹ đầu tư đã nhận thấy trong cuộc chơi năm 2019, chỉ những cổ phiếu vốn hóa lớn mới giúp giá trị tài sản ròng (NAV) của họ tăng trưởng.
Vì thế, rất nhiều Quỹ đã không ngừng gia tăng trong danh mục của họ các cổ phiếu VHM, VIC, VNM, SAB, VCB.
Trong khi đó, các NĐT cá nhân lại tập trung vào những cổ phiếu có mức giá vừa phải. Nói như vậy không có nghĩa NĐT cá nhân không có cơ hội để kiếm lợi nhuận. Ở sóng tăng đầu năm 2019 từ đáy 892 điểm lên 1.014 điểm, nhóm cổ phiếu ngành điện (PPC, NT2...), nhóm bất động sản khu công nghiệp (BCM, SZL, KBC, PHR, NTC), nhóm cổ phiếu Viettel (CTR, VTP, VGI) đã tăng rất mạnh. Sóng tăng này kéo dài 3- 4 tháng nên hầu hết NĐT đều nhận biết được, nên đã mua vào. Chỉ có điều họ không thể tối đa hóa được lợi nhuận, thậm chí mua đúng cổ phiếu vẫn chịu lỗ do các NĐT cá nhân luôn sử dụng đòn bẩy tài chính cao, chỉ cần một nhịp điều chỉnh nhẹ đã phải bán ra cắt lỗ.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 05/01/2020
11:00, 27/12/2019
11:29, 10/01/2020
Chiến thuật rõ ràng
Nếu nhìn lại năm 2018- 2019 có thể thấy hoàn toàn khác biệt so với năm 2016-2017. Nếu ở 2 năm vừa qua, bán sớm chốt lời nhanh, hoặc kiên nhẫn chờ đợi nếu không sử dụng đòn bẩy tài chính, thì chắc chắn hái được quả ngọt. Ngược lại, nếu ở giai đoạn 2016-2017 thì điều đó là sự hối tiếc lớn. Do đó, dù theo trường phái nào, đầu tư giá trị (FA) hay kỹ thuật (TA) thì NĐT cũng cần có chiến lược rõ ràng và thực hiện đúng chiến lược đó.
Một trong những tố chất cần nhắc đến đầu tiên là lòng kiên nhẫn. Nói về điều này, cần học NĐT lừng danh Warren Buffett, Ông từng nói: “Bạn không thể sinh em bé trong vòng một tháng chỉ bằng cách làm cho 9 người phụ nữ mang bầu”. Ông kiên nhẫn không chỉ trong nắm giữ cổ phiếu mà cả trong chờ đợi cơ hội đầu tư. Có những thời điểm, ông nắm giữ lượng tiền mặt lớn trong nhiều năm liền chỉ để chờ khi cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong đầu tư dài hạn, NĐT không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.
TTCK năm 2020 liệu có mang đến quả ngọt sau 2 năm chờ đợi? Câu trả lời có hay không là rất khó, nhưng NĐT cần thấy rằng TTCK hiện nay đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Ngoài nền tảng vĩ mô tốt, thì kinh tế thế giới cũng có tín hiệu phục hồi trong năm 2020. Đặc biệt, chúng ta đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi. Do đó, nhiều khả năng TTCK sẽ tích cực hơn, khả năng cao sẽ tái chiếm lại mốc 1.200 điểm, tăng khoảng 20% so với hiện tại.
Với dự báo như trên, trong năm 2020, những doanh nghiệp có KQKD tích cực mà giá chưa phản ánh hoặc định giá rẻ, sẽ có nhiều cơ hội tăng điểm. Do đó, NĐT cần quan tâm đến những cổ phiếu này. Những ngành được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, như thủy sản, ngân hàng, cao su, bán lẻ, công nghệ thông tin… thì cổ phiếu của các ngành này sẽ có cơ hội tăng điểm. Ngoài ra, các NĐT cũng nên quan tâm tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu của những doanh nghiệp đã có KQKD tích cực trong năm 2019, như HPG, ACV, QNS, MPC, DGC, PVS,... Tuy nhiên, khi đầu tư vào những cổ phiếu này, NĐT một lần nữa cần lưu ý việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Đầu năm 2020, TTCK Việt Nam có thể sẽ có sóng tăng mạnh. Đây là khoảng thời gian dòng vốn ngoại sẽ quay lại thông qua các quỹ ETFs. Trong khi đó, nhiều quỹ ETFs nội hình thành chạy theo nhiều bộ chỉ số khác nhau như Diamond Index, Final Index hay VN30 nên cũng tạo ra lực cầu tốt. Do đó, NĐT nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu nằm trong bộ chỉ số mới mà ở đây nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng rất cao.