Vượt qua Mỹ và châu Âu, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời vào năm ngoái.
>> Châu Âu tìm cách "thoát" Trung Quốc trong năng lượng mặt trời
Trung Quốc đã lắp đặt tấm pin mặt trời với số lượng vượt trội hơn Mỹ. Đặc biệt, xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã tăng 38% trong khi xuất khẩu các linh kiện chính gần như tăng gấp đôi. Điều này đang báo hiệu sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Trong khi Mỹ và châu Âu đang cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo và giúp các công ty thoát tình trạng phá sản thì Trung Quốc đang dần vượt lên.
Trong báo cáo tại kỳ họp Lưỡng hội thường niên, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố rằng nước này sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các trang trại sử dụng năng lượng mặt trời cũng như các dự án điện gió và thủy điện.
Với nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, việc tăng cường chi tiêu cho năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời cho thấy quốc gia này đặt cược lớn vào các công nghệ mới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng “bộ ba công nghiệp mới” – tấm pin mặt trời, ô tô điện và pin lithium – đã thay thế “bộ ba cũ” là quần áo, đồ nội thất và thiết bị.
Với vục tiêu giúp bù đắp sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, Trung Quốc hy vọng khai thác các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng mặt trời sẽ mang đến động lực mới cho nền kinh tế, đồng thời giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.
>> Thêm một "gã công nghệ" châu Âu "quay lưng" với Trung Quốc
Theo các chuyên gia, lợi thế về chi phí của Trung Quốc là rất lớn. Một cơ quan nghiên cứu của Ủy ban châu Âu đã tính toán trong một báo cáo vào tháng 1 rằng các công ty Trung Quốc có thể sản xuất các tấm pin mặt trời với công suất phát điện từ 16 đến 18,9 cent/watt. Trong khi các công ty châu Âu tốn 24,3 đến 30cent/watt và các công ty Mỹ mất khoảng 28cent/watt.
Giá điện thấp ở Trung Quốc tạo ra sự khác biệt lớn. Việc sản xuất nguyên liệu thô chính cho tấm pin mặt trời, polysilicon, đòi hỏi lượng năng lượng rất lớn. Các tấm pin mặt trời thường phải tạo ra điện trong ít nhất bảy tháng để thu lại lượng điện cần thiết để sản xuất chúng.
Than cung cấp 2/3 lượng điện của Trung Quốc với chi phí thấp. Nhưng các công ty Trung Quốc đang làm giảm chi phí hơn nữa bằng cách lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời ở các sa mạc phía Tây Trung Quốc. Sau đó, các công ty sẽ sử dụng điện từ những trang trại này để tạo ra nhiều polysilicon hơn.
Ngược lại, châu Âu có giá điện đắt đỏ, đặc biệt sau khi khu vực này ngừng mua khí đốt từ Nga. Bên cạnh đó, đất sử dụng ở châu Âu cho các trang trại năng lượng mặt trời rất đắt đỏ. Ở Tây Nam Hoa Kỳ, những lo ngại về môi trường đã làm chậm quá trình lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời, trong khi các vấn đề về quy hoạch đã cản trở việc cấp phép truyền tải năng lượng tái tạo.
Theo Kevin Tu, chuyên gia năng lượng ở Bắc Kinh và là thành viên không thường trực của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia: “Nếu các nhà sản xuất Trung Quốc không giảm chi phí tấm pin năng lượng mặt trời, thì chúng ta sẽ không thể thấy nhiều cơ sở lắp đặt pin năng lượng mặt trời như vậy trên khắp thế giới”.
Trên thực tế, Trung Quốc chế tạo gần như tất cả các thiết bị sản xuất tấm pin mặt trời của thế giới. Theo Frank Haugwitz, nhà tư vấn năng lượng mặt trời lâu năm chuyên về ngành công nghiệp Trung Quốc: “Phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để có được các bộ phận và kỹ sư thay thế. Nhưng chỉ trong vài năm, các công ty Trung Quốc đã tìm ra cách tự mình làm được tất cả”.
Ngày nay, bất kỳ quốc gia nào cố gắng sản xuất các tấm pin mặt trời bên ngoài Trung Quốc đều phải đối mặt với nguy cơ chậm trễ trong việc lắp đặt hoặc sửa chữa thiết bị. Ông Haugwitz nhận định: “Việc cạnh tranh sẽ vẫn là một thách thức đối với các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực này".
Có thể bạn quan tâm