Sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã và đang đặt ra những hướng phát triển mới cũng như yêu cầu, đòi hỏi cao đối với báo chí - truyền thông nước nhà.
PGS, TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, ngày 8/11.
Theo PGS, TS Mai Đức Ngọc, trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí - truyền thông nước nhà, để từ đó báo chí - truyền thông luôn đồng hành cùng với đất nước đi qua những năm tháng cách mạng rất oanh liệt và cũng rất vẻ vang.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình cách mạng, báo chí - truyền thông Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt, sản sinh ra thế hệ những người làm báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
“Luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới”, PGS, TS Mai Đức Ngọc nói.
Tuy nhiên, PGS, TS Mai Đức Ngọc đánh giá bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho nền báo chí - truyền thông của Việt Nam hiện nay. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại cả những cơ hội và thách thức cho sự phát triển của mỗi quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data, đặc biệt là các công nghệ thông tin - truyền thông thế hệ mới… đang tác động và làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội.
Riêng trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, đem đến sự thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách thức làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí dựa trên mô hình truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện.
“Sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã và đang đặt ra những hướng phát triển mới cũng như những yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với báo chí - truyền thông nước nhà, để nhanh chóng bắt kịp với xu thế của thế giới và phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng hiện đại”, PGS, TS Mai Đức Ngọc bày tỏ.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức từ những vấn đề nội tại của nền báo chí - truyền thông trong nước như công tác quản lý báo chí - truyền thông ở một số nơi còn lỏng lẻo, công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới hoạt động báo chí - truyền thông còn nhiều khó khăn.
“Một bộ phận những người làm báo chí - truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí - truyền thông có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội, đi ngược lại với những giá trị về phẩm chất, đạo đức của người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, PGS, TS Mai Đức Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ và khó kiểm soát thông tin trên không gian mạng, các âm mưu chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động trên các phương tiện truyền thông… cũng là những vấn đề phức tạp mà báo chí - truyền thông nước nhà phải đối mặt trong định hướng thông tin, dư luận.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong bối cảnh đó, cần phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí - truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi cần phải tiến hành đánh giá một cách khách quan, toàn diện việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông thời gian qua đã và đang được diễn ra như thế nào.
Do đó, cần phải xác định chính xác những vấn đề đặt ra, quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn về giải pháp để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những tư tưởng của Người về sứ mệnh, nhiệm vụ, phẩm chất, năng lực người làm báo chí - truyền thông hiện đại, yêu cầu đối với sản phẩm báo chí - truyền thông đặt trong bối cảnh hiện nay.
Trao đổi tại hội thảo, TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong thời đại công nghệ số, người làm báo đang đối mặt với những áp lực mới.
“Người làm báo hiện nay gặp áp lực từ mạng xã hội là lớn nhất, vì mạng xã hội đang đua tranh với báo chí trong việc thông tin” TS Nhị Lê chia sẻ.
Vì vậy, báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin. Những cơ hội công nghệ thông tin mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các hoạt động của xã hội, trong đó có báo chí, vì vậy báo chí phải hơn ai hết tiếp cận được những thành tựu về công nghệ thông tin để áp dụng cho sự phát triển.
Nhà báo không chỉ sử dụng cây bút mà còn sử dụng nhiều phương tiện khác để thực hiện truyền thông. Các cơ quan báo chí phải xây dựng được tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện để trong môi trường làm việc ngày càng hiện đại, báo chí vươn tới những khả năng có thể tích hợp được các nguồn thông tin một cách hữu hiệu nhất.
“Và, quan trọng nhất là báo chí phải vượt trội được mạng xã hội về độ tin cậy, sự chính xác trong việc thông tin”, TS Nhị Lê khẳng định.
Vẫn theo TS Nhị Lê, có một thách thức khác cũng rất quan trọng, đó là bảo đảm nguồn thu. Bởi, một thị phần rất quan trọng của quảng cáo hiện nay đang chuyển dần từ các cơ quan báo chí sang các nền tảng xuyên biên giới (60-70%).
“Các cơ quan báo chí chỉ còn 30% thị phần chung, dẫn dến giảm sút nguồn thu. Báo chí đang đứng trước những thách thức lớn về sút giảm lượng báo in và giảm nguồn thu từ quảng cáo”, TS Nhị Lê nói.
Về sự cạnh tranh giữa báo chí với mạng xã hội và những vấn đề mới đang đặt ra trước nhà báo và cơ quan báo chí, theo TS Nhị Lê phải xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại để người làm báo có thể tiếp tục hành nghề theo phương châm khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Muốn làm được điều đó, từng nhà báo phải vươn lên, từng cơ quan báo chí phải xây dựng lại hệ thống để trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu năng hơn. Đó là con đường không thể khác đối với từng nhà báo, từng cơ quan báo chí.
Thứ nhất, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải nhận thức được những thách thức trong thời đại truyền thông kỹ thuật số để chuẩn bị một tâm thế cần thiết từ đó thấy được nhu cầu phải đổi mới, phải cải tiến, nâng cao chất lượng của các ấn phẩm của các sản phẩm báo chí. Có như vậy, báo chí mới có thể tồn tại.
Thứ hai, nhu cầu phải đào tạo và đào tạo là các nhà báo để có thể tác nghiệp trong môi trường số hiện nay.
Thứ ba, các cơ quan báo chí không thể hoạt động chỉ với những phương tiện truyền thống như trước đây, cần phải đổi mới về công nghệ, đổi mới về thiết bị cơ sở vật chất theo hướng ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Mạng xã hội hiện là một nhu cầu lớn của đời sống xã hội. Mạng xã hội có xây đắp nhưng có tàn phá, có những tiện ích rất lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với báo chí. Nhưng chúng ta không thể sống mà lại không có mạng xã hội.
Vì vậy, báo chí không thể đối lập với mạng xã hội, báo chí phải tương tác với mạng xã hội, bởi mạng xã hội là một môi trường truyền thông có thông tin đa dạng, phong phú nhưng cũng rất hỗn tạp.
Báo chí có thể chắt lọc nhiều thông tin bổ ích từ trên mạng xã hội nhưng thông tin phải được kiểm chứng. Báo chí phải là câu trả lời cho những vấn đề mà mạng xã hội nêu lên.
Điều này đòi hỏi tính trách nhiệm cao của các nhà báo, của các cơ quan báo chí. Mạng xã hội càng phát triển, vai trò của báo chí càng cần được khẳng định, nâng cao. Đây chính là lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí để trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất, tin cậy nhất trong xã hội.
“Dù vậy, câu hỏi liệu mạng xã hội có thể dần thay thế được báo chí trong tương lai hay không, vẫn đang treo trước mắt báo chí”, TS Nhị Lê bày tỏ.