Doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” chờ nhận tài sản trúng đấu giá, thì ngược lại, chính quyền vẫn “bình chân như vại”, ra văn bản chỉ đạo các sở ngành thực hiện "quy trình ngược".
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, sau khi đơn thư phản ánh của Liên danh Công ty CP Thương Mại, Dịch vụ Huy Thiên Phú - Công ty TNHH Tư vấn, thiết kế và xây dựng Quang Phong - Công ty CP Thương mại Và Phát triển Đô thị Quốc tế - Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, về những “mập mờ” liên quan tới kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án “Khu dân cư đô thị liền kề phía bắc đường Trần Phú, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên (đợt 1- giai đoạn 1)”, gồm 158 lô đất ở với diện tích 21.187 m2, giá khởi điểm gần 640 tỷ đồng”. Các cơ quan ban ngành của tỉnh Phú Yên đã chính thức ra văn bản ấn định ngày tổ chức đấu giá. Kết quả, Liên danh Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai và Công ty CP Khải Huy Quân là đơn vị trúng đấu giá với giá tiền: 645.199.990.900 đồng (Sáu trăm bốn mươi lăm tỷ một trăm chín mươi chín triệu chín trăm chín mươi ngàn chín trăm đồng); tài sản trúng đấu giá là:158 lô đất ô phố LK03; LK04; BT05 và LK13 thuộc Dự án Khu đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú (đợt 1, giai đoạn 1).
Quy trình ngược…?
Đáng chú ý, Dự án Khu dân cư đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú, TP. Tuy Hòa (đợt 1 - giai đoạn 1), không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua bởi sự "nhì nhằng" từ khâu tổ chức đấu giá do có sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên. Mà sự việc còn để lại nhiều hoài nghi về “quy trình ngược”, gây khó dễ cho doanh nghiệp thông qua việc “hoãn binh” phê duyệt kết quả đấu giá, khiến dư luận bức xúc.
Liên quan tới những bất cập nêu trên, ông Nguyễn Anh Khoa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Nắng Ban Mai (liên danh đơn vị trúng đấu giá), cho biết: Ngay sau khi trúng đấu giá, ngày 23/10/2020, chúng tôi đã thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước, thông qua Tài khoản của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Phú Yên với số tiền gần 128 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật. Chưa kể, ngoài việc tiền đã nộp thì máy móc, phương tiện, vật tư và nhân lực của doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị theo đúng kế hoạch, phương án mà UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt để triển khai. Thế nhưng tới giờ vẫn “mắc kẹt” như thế này chẳng khác nào dồn doanh nghiệp vào chỗ chết.
"Khi nhà đầu tư đang như “ngồi trên đống lửa” vì tiền đã bỏ ra và chờ nhận tài sản trúng đấu giá để triển khai thực hiện dự án theo đúng cam kết, thì UBND tỉnh lại “bình chân như vại”, trì hoãn phê duyệt kết quả trúng đấu giá mà UBND TP.Tuy Hoà đã báo cáo đề xuất công nhận là khó chấp nhận"- ông Khoa nói.
Liên quan tới những bức xúc về “quy trình ngược”, ông Khoa cho biết: ngày 04/12/2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra văn bản số 6076/UBND-KT, chỉ đạo: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành, địa phương có liên quan rà soát lại trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc xây dựng, thông qua phương án đấu giá, thực hiện đấu giá và quy định về việc phê duyệt kết quả đấu giá đối với dự án này” là hết sức khó hiểu. Bởi, những nội dung trên đều đã được thực hiện theo các Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 về “phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của Thành phố Tuy Hòa”; Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 27/03/2020 về “phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú, thành phố Tuy Hòa (đợt 1- Giai đoạn 1”); Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 08/4/2020 phê duyệt đấu giá quyền sử dụng để thực hiện dự án) do Sở Tài nguyên & Môi trường và các sở, ngành liên quan tham mưu. Thế nhưng không hiểu tại sao lại có “quy trình ngược” này?
"Tại sao lại thực hiện việc đấu giá xong rồi mới yêu cầu rà soát các văn bản do chính những lãnh đạo UBND tỉnh tiền nhiệm thống nhất ban hành?”. Vậy, phải chăng các văn bản và quyết định của các lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên tiền nhiệm không đúng quy định và có dấu hiệu vi phạm pháp luật? Hay nội bộ của chính quyền sở tại thiếu đồng nhất, nghi ngờ nhau để rồi làm khó doanh nghiệp?" – ông Khoa đặt vấn đề.
Chính quyền phải bồi thường…
Liên quan tới những vi phạm về thời gian ra quyết định công nhận đơn vị trúng đấu giá, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Đoàn Luật sư TH.HCM, cho rằng: Căn cứ theo Điều 12 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc từ ngày nhận bàn giao hồ sơ và biên bản kết quả thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất từ đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất, đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất lập hồ sơ gửi cơ quan tài nguyên và môi trường để trình UBND cấp có thẩm quyền đã quyết định đấu giá quyền sử dụng đất ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất”.
"Theo đó, trong trường hợp này, chính quyền đã vi phạm về thời gian hơn 2 tháng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp, thì cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo điều 358 Bộ luật Dân sự có nêu rõ “trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện, thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện, hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó. Đồng thời, yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại; Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Và trong trường hợp cụ thể này, bên trúng đấu giá có quyền khởi kiện và yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên phải đền bù thiệt hại với số tiền gấp 2 lần tiền cọc gần 128 tỷ đồng đã nộp vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, mức thiệt hại, khoản tiền lãi phát sinh do phải chuẩn bị 645 tỷ đồng để nộp khi có thông báo kết quả đấu giá cũng phải được bồi thường" – Luật sư Vân nói.
Như vậy, nhìn từ vụ việc nêu trên cho thấy, UBND tỉnh Phú Yên sẽ phải đối mặt và đứng trước nguy cơ phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để bồi thường thiệt hại nếu bên trúng đấu giá khởi kiện là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngân sách nhà nước sẽ bị thất thoát một khoản tiền khá lớn so với một địa phương đang có nguồn thu phụ thuộc chính từ bán đất là vấn đề khó có thể chấp nhận. Song, vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc này? Tập thể lãnh đạo nhiệm kỳ nào chịu trách nhiệm, hay lại đổ đầu lên tiền thuế của người dân và doanh nghiệp, sẽ là câu hỏi lớn cho chính quyền tỉnh Phú Yên. Nghiêm trọng hơn, những hệ lụy về môi trường đầu tư của tỉnh Phú Yên sẽ ra sao khi vấn đề này đã có tiền lệ?
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
04:30, 19/12/2020
10:07, 29/09/2020
04:20, 17/09/2020
11:30, 13/09/2020
05:53, 24/08/2020