Cửa hàng WinMart sẽ tích hợp Techcombank, Reddi và cả thương hiệu dược phẩm Dr. Win.
>>Masan đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm tại Hậu Giang
Đầu tháng 7/2022, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Winphar, có 80% vốn thuộc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce trực thuộc Tập đoàn Masan, đã đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win.
Một số cửa hàng WinMart cũng đang trong quá trình thay đổi giao diện và nâng cấp cơ sở vật chất. Phía bên ngoài, cửa hàng WinMart này thể hiện sẽ tích hợp Techcombank, Reddi và cả thương hiệu dược phẩm Dr. Win.
Ngoài ra, trên một số website tuyển dụng, Dr. Win được giới thiệu là “chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam”. Chuỗi nhà thuốc này đang tìm kiếm việc cho vị trí dược sĩ trưởng và dược sĩ bán hàng tại Hà Nội.
Vậy nguyên nhân nào mà Masan đã đặt ngay tên cho Dr. Win là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam?
Chiến lược Mini Mall và bài học từ Walmart
Tại Đại hội đồng cổ đông vào ngày 28/4, Danny Lê, Tổng Giám đốc Masan Group, đã giới thiệu mô hình kinh doanh trong tương lai mang tên "Mini Mall", một trung tâm mua sắm thu nhỏ.
Mô hình này sẽ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng tại một điểm bán WinMart+ duy nhất. Các dịch vụ bao gồm dịch vụ tài chính với Techcombank, F&B với Phúc Long, viễn thông với Reddi và chăm sóc sức khỏe.
Ban đầu, ít ai biết được dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Masan sẽ là gì, nhưng với việc mở ra thương hiệu Dr. Win, việc xuất hiện một cửa hàng thuốc trong Winmart+ rất có thể xảy ra trong tương lai.
Nếu nhanh chóng triển khai, thì danh hiệu “chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam” sẽ ngay lập tức thuộc về Masan bởi số cửa hàng Winmart+ trên toàn quốc đã lên tới hơn 3.000 cửa hàng. Trong khi đó, Pharmacity, chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay, mới chỉ có 1.128 cửa hàng, Long Châu (thuộc FPT Retail) có hơn 706 điểm bán và An Khang (thuộc Thế Giới Di Động) là 520 điểm.
Thực ra, việc mở rộng việc buôn bán dược phẩm trong các cửa hàng tiện lợi “Mini Mall” của Masan cũng không phải mới. Công ty đi tiên phong trong lĩnh vực này có thể kể tới nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart. Ít ai biết rằng, Walmart ngoài là chuỗi bán lẻ lớn nhất còn là chuỗi nhà thuốc lớn thứ 3 tại Mỹ và tất nhiên, tất cả các cửa hàng thuốc của Walmart đều nằm trong các điểm bán lẻ.
>>Masan và chiến lược chuỗi ngọc trai
Ngành bán lẻ thuốc tiềm năng
Cơ hội trên thị trường bán lẻ dược phẩm vẫn còn rất màu mỡ. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước năm 2017, cả nước có trên 57.000 nhà thuốc. Tuy nhiên, các nhà thuốc của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ do các gia đình điều hành với thị phần 1,6 tỷ USD trên tổng quy mô 5,3 tỷ USD của thị trường dược phẩm ở Việt Nam.
Khi bắt đầu bán thuốc, với lợi thế về vốn và kinh nghiệm bán lẻ, những gã khổng lồ ngoài ngành này bắt đầu xâu chuỗi sự manh mún của thị trường bán lẻ thuốc bằng cách tạo ra một thương hiệu chung, đồng bộ, uy tín, có mặt ở khắp mọi nơi, giá cả thống nhất. Họ nhanh chóng lấn át các doanh nghiệp thuốc nhỏ lẻ và buộc các doanh nghiệp thuốc lớn trong ngành chơi theo cuộc chơi của họ nếu không muốn mất thị phần.
Ngành dược sau đợt dịch có những bước phát triển rất tốt. Nếu trước đây, nhà thuốc cơ bản chỉ bán thuốc chữa bệnh thì sau dịch, nhu cầu thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng tăng trưởng nhiều. Nói cách khác, ngành thuốc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển từ nhu cầu “chữa bệnh” sang “bảo vệ sức khỏe”.
Do đó, đây là thời điểm vàng để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc. Không khó hiểu tại sao Pharmacity, FPT Retail và Thế Giới Di Động đều đặt mục tiêu tăng tốc trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng thuốc của mình trong năm 2022.
Với việc gia nhập này, chúng ta có thể trông chờ một cuộc đua vô cùng sôi động giữa Masan và FPT, Thế Giới Di Động và Pharmacity. Và nếu chỉ nhìn vào số lượng cửa hàng, Masan dường như đang là bên có lợi thế rất lớn.
Có thể bạn quan tâm