Masan hơn một lần gia nhập thị trường làm bia, và cũng từng thất bại, nhưng giờ có chuỗi Winmart trong tay, mảng bia đang có dấu hiệu khởi sắc.
>>WinCommerce khai trương hai siêu thị WinMart tại miền Tây
UBND tỉnh Hậu Giang vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 của Masan. Trong đó Masan sẽ dành một phân khu riêng cho nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại với công suất lên đến 100 triệu lít/năm.
Đây không phải là nhà máy bia đầu tiên của Masan. Trước đó Masan còn sở hữu nhà máy sản xuất bia Masan Brewery HG với công suất 100 triệu lít/năm.
Là một cái tên lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm và giải khát, Masan cũng từng ngấp nghé thị trường bia từ gần chục năm trước. Cụ thể họ đã bắt đầu gia nhập thị trường bia từ năm 2013 với việc mua lại công ty Bia và Nước giải khát Phú Yên, sau này đổi tên thành Masan Brewery, cũng như tung ra thị trường thương hiệu bia Sư Tử Trắng.
Lúc mới ra mắt bia Sư Tử Trắng rất được đón nhận vì chiến lược giá rẻ và các chương trình quảng cáo hấp dẫn. Thậm chí nhà máy còn sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Được đà thắng lợi Masan mở thêm nhà máy ở Hậu Giang với công suất lớn hơn. Doanh thu bia Sư Tử Trắng năm 2015 đạt hơn 706 tỷ đồng. Năm 2016 doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh và được nhà đầu tư Thái Lan rót thêm 600 triệu USD.
Tuy nhiên gió bắt đầu đổi chiều từ năm 2017, doanh thu bia bị sụt giảm nặng. Cái tên Sư Tử Trắng dần vắng mặt trên thị trường bia Việt Nam.
Thị trường bia là một thị trường cực kỳ khốc liệt, đặc biệt kênh phân phối là một trong những yếu tố quan trọng nhất của thị trường này.
Cũng chính vì phân phối là một khâu quan trọng, vậy nên những ông lớn đã ở sẵn trong ngành thì rất chịu khó bóp nghẹt khâu phân phối, với mục đích giảm tối đa sự cạnh tranh của những tên tuổi mới.
Một cái tên nổi tiếng từng chịu cảnh này chính là Tân Hiệp Phát. Đơn vị này đầu tư đến 100 triệu USD để sản xuất thương hiệu bia Laser từ năm 2001. Tuy nhiên Laser đã gặp phải “tảng đá” Heineken. Theo đó Heineken ra tay cấm tất cả đại lý và điểm phân phối của họ bán bia Laser. Nếu phát hiện bất kỳ đại lý nào bán Laser, Heineken sẽ dừng cung cấp sản phẩm. Đứng trước hai sự lựa chọn Laser và Heineken, không cần hỏi cũng biết đại lý sẽ chọn Heineken.
Vinamilk cũng là một cái tên muốn bán bia nhưng thất bại ở mặt phân phối. Năm 2006, Vinamilk liên doanh với tập đoàn SABmiller để thành lập công ty sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm. Công ty khánh thành năm 2007 với thương hiệu bia Zorok.
Điểm phân phối thì có lẽ Vinamilk không thiếu, nhưng đó là phân phối sữa. Còn nói đến bia thì thật khó để tận dụng hệ thống phân phối sữa để bán bia. Do đó chỉ sau 2 năm, Vinamilk nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình do SABmiller.
Có bài học từ chính bản thân mình, cũng như bài học từ các công ty khác, nhưng Masan bây giờ đang nắm trong tay một quân bài cực lợi hại, đó là chuỗi phân phối khổng lồ Winmart (Vinmart cũ).
Với một kênh phân phối như vậy, Masan rất có lợi khi muốn đẩy sản phẩm mới ra thị trường. Đồng thời Masan cũng không sợ bị các đối thủ khác dùng chiêu “bóp nghẹt kênh phân phối”, bởi bản thân họ đã sở hữu riêng cho mình kênh phân phối rất lớn rồi. Vậy nên, họ có thể tạm yên tâm về chuỗi phần phối để để tâm tới các cửa hàng nhỏ lẻ, các quán bia, cũng như người dùng lẻ.
Dĩ nhiên hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định Masan điều gì. Tuy nhiên ra trận với quân át chủ bài quá tốt Winmart, cơ hội của Masan chắc chắn sẽ khả quan hơn lần trước.
Có thể bạn quan tâm