Nguồn cung bất động sản thời gian qua đến từ sản phẩm cách đây nhiều năm dù 3 luật vừa áp dụng, nhanh cũng 2-3 năm mới có nguồn cung ra thị trường.
Nhận định được ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT đưa ra mới đây.
Cụ thể, theo ông Bình, Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở đã được thực thi trong 6 tháng qua, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói luật mới có tác động tốt hay không tốt đối với thị trường bất động sản, bởi chính sách cần thời gian thẩm thấu vào cuộc sống.
Theo ông Bình, thời gian qua, nguồn cung bất động sản đến từ những sản phẩm có cách đây 3-4 năm, thậm chí hàng chục năm trước. Do đó, 3 luật vừa áp dụng, nhanh cũng cần 2-3 năm nữa mới có nguồn cung mới ra thị trường. Tuy nhiên, ông cho rằng, không hẳn khi có sản phẩm mới đã đánh giá được ngay, bởi chính sách ra đời luôn có tác động tâm lý lớn đến thị trường.
Thị trường bất động sản cũng giống như chứng khoán, tâm lý quyết định thị trường. Chẳng hạn, khi xuất hiện thông tin dự báo nguồn cung nhà năm nay tăng, thị trường sẽ có tâm lý giá không lên được nữa. Hay các vụ đấu giá đất với mức trúng cao cũng ngay lập tức tác động tới tâm lý nhiều người, sợ lỡ cơ hội.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang dần đi vào ổn định, do nhiều nguyên nhân khác nhau, do điều phối, quản lý của Chính phủ, các chính sách mới.
Nhìn lại cơn sốt bất động sản kéo dài từ cuối năm 2022 đến 2024, ông Lê Văn Bình nhận định vì thiếu nguồn cung, một phần do Covid-19 khiến nhiều dự án bị đình trệ, không có sản phẩm.
Ở giai đoạn năm 2023 đến 2024, tình trạng thiếu nguồn cung tiếp diễn cũng là nguyên nhân khiến giá tăng đột biến, người lao động khó tiếp cận được nhà ở khi mức giá phổ biến 50 triệu đồng/m2, nhưng phải đi rất xa. Trong khi đa phần các quận nội thành có mức giá trên 70 triệu đồng/m2. Ngay cả nhà cũ, tập thể cũ cũng tăng gấp đôi so với trước.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Văn Bình, khi thiết lập khung giá mới, nguồn cung tăng lên, thị trường bắt đầu chững lại. Sắp tới các sản phẩm bất động sản được tung ra thị trường tăng lên cùng với đó là chính sách được ban hành, thị trường sẽ dẫn ổn định giá hơn. Từ đó, người lao động có thể tiếp cận mua nhà.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nguy cơ về chiến tranh thương mại sắp tới, cơ hội cho phát triển công nghiệp là rất lớn. Điều này cũng sẽ lan tỏa tích cực đến các phân khúc khác như nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
"Hiện nay, phân khúc nhà ở xã hội đang có nhiều ưu đãi vô cùng tốt từ nhà nước như thủ tục pháp lý nhanh chóng, thuế đất cũng được nhà nước ưu đãi. Thậm chí, bán hàng nhanh vì phân khúc này người dẫn sẽ tự tìm đến chứ không mất công đi tìm khách như những phân khúc khác. Đây được đánh giá là phân khúc hấp dẫn, có lãi rõ ràng nhưng lại không thu hút được doanh nghiệp đầu tư" - ông Bình dự báo.
Ngoài ra, khi Đề án 1 triệu căn nhà ở tới năm 2030 thực hiện được sẽ tác động trực tiếp đến nhiều phân khúc khác như phân khúc cao cấp vì nhu cầu của người dân không còn nhiều.
Đưa ra lời khuyên về việc sở hữu nhà ở, lãnh đạo Vụ Đất đai cho hay: Nếu vào vai nhà đầu khi nào giá nhà cao sẽ mua (nhà đầu tư có tâm lý giá lên cao thì sẽ cao hơn nữa); còn nếu trong vai người mua nhà sẽ chờ giá nhà "hạ nhiệt", hạ xuống vừa túi tiền sẽ lập tức chốt mua. "Tôi đề xuất, những người thu nhập trung bình, thấp thì nên tranh thủ mua nhà xa trung tâm khoảng 15 – 20 km ở thời điểm hiện tại sẽ là câu trả lời phù hợp nhất" - ông Bình nói.