Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, nhưng số nạn nhân sập bẫy vẫn có xu thế gia tăng…
Theo thống kê của Bộ Công an, thời gian vừa qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với những diễn biến ngày càng phức tạp và thủ đoạn vô cùng tinh vi, việc phát hiện, xử lý rất khó khăn. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý hơn 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Trước đó, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2024, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cũng đã báo cáo về tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù thủ đoạn không mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, nhất là lừa đảo trên không gian mạng.
Chia sẻ với báo chí, đến bây giờ chị V.T.H. (SN 1981, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, Tây Ninh) vẫn thất thần về cú lừa bị mất hơn 2,4 tỷ đồng với thủ đoạn tinh vi. Chị H. kể lại: Vào đầu tháng 9/2024, H. đang làm việc thì có lời mời kết bạn qua mạng xã hội từ người đàn ông có tên Facebook Hoàng Minh.
Người này để hình nền lịch lãm và đẹp trai. Minh nhắn tin giới thiệu mình đang là trưởng phòng phụ trách kỹ thuật của một công ty trong Khu công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh và nói rằng, từng gặp H. ở một sự kiện, hội nghị nào đó. Khi đó, chị H. nghĩ mình từng đi học tập hay du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nên tin lời đồng ý kết bạn.
Qua theo dõi Facebook của Minh, chị H. thấy người đàn ông này có lối sống sang chảnh, hay đi du lịch ở nhiều địa điểm nổi tiếng. Do đó, chị H. nghĩ đối tượng là doanh nhân thành đạt nên mới có thể có một cuộc sống giàu sang như vậy. Sau đó, Minh thường xuyên thăm hỏi về công việc, cũng như cuộc sống gia đình của chị H. Bởi lẽ, Minh cũng đã nghiên cứu rất kỹ về sẻ chia của chị H. trên trang cá nhân, đặc biệt các hình ảnh, tâm trạng vui buồn của nạn nhân.
Sau gần một tháng lân la, hỏi thăm làm quen với H, Minh giới thiệu mình đang đầu tư kinh doanh ở đất nước Singapore. Thời còn đi học, H. được biết, đây là quốc gia có nền kinh tế phát triển cao và chất lượng. Do vậy, H. mới tò mò hỏi về cách kiếm tiền làm giàu của Minh tại đất nước trên, cũng từ đó để Minh có được cuộc sống sang chảnh, xe sang, hàng hiệu.
Để thuyết phục chị H., Minh nói rằng, vào ngày 30/9, Minh cùng 3 kỹ thuật viên, phiên dịch và 1 người khác qua bên công ty đối tác casino ở Singapore. Bên đây, kinh doanh lĩnh vực kiếm tiền hợp pháp. Cụ thể, chơi xổ số ở đất nước Singapore. Tiếp đó, Minh chia sẻ về hình ảnh bàn giao công việc, kỹ thuật khiến chị H. không chút nghi ngờ. Minh nói mình kinh doanh hoạt động trên để kiếm nhiều tiền làm từ thiện và có cuộc sống sang giàu. Số tiền thu được từ hoạt động đánh bạc, Minh chỉ lấy của người giàu chia cho người nghèo. Mặt khác, Minh còn là người Việt Nam nên sẽ mang tất cả số tiền kiếm được để giúp đỡ đồng bào. Minh còn nói thêm, đối tượng đang dồn tiền kinh doanh để giúp đỡ người dân nghèo quê hương bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi vừa qua. Trong cơn bão lũ, Minh thấy rất thương người dân nên cần phải kiếm được nhiều tiền.
Qua một ngày tiếp cận với hệ thống bảo trì, Minh nói phát hiện được lỗi hệ thống của công ty đối tác, nên đối tượng tận dụng cơ hội ký 10 ngày làm việc kiếm tiền. Tin vào lời nói mật ngọt và "lòng nhân ái" của Minh, nạn nhân đã hỏi Minh về cách đầu tư kiếm tiền giúp đỡ người dân nghèo.
"Thoạt đầu, Minh còn nói tôi có tấm lòng nhân ái giống mình như vậy rất tốt. Tấm lòng của H. còn hơn cả mẹ ruột mình. Mẹ của Minh không bao giờ thương người, cũng như hỗ trợ Minh trong công việc, sẻ chia trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy, Minh chỉ tin tưởng có một mình H. Tiếp đó, Minh nhờ tôi kiểm tra, theo dõi hoạt động kinh doanh, vì có 14 quốc gia ngoài Singapore không thể đăng nhập. Khi đó, H. thấy mỗi ngày dòng tiền chuyển vào hệ thống cho Minh rất lớn", chị H, kể.
Đáng lưu ý, trong suốt 4 ngày đầu, chị H. nhận được giao dịch giúp Minh vào 2 khung giờ với lợi nhuận 5%/phiên và 20%/ngày. Minh đã chuyển tiền ảo lên phần mềm của chúng và nói đó là hệ thống của casino. Khi đó, chị H. thấy Minh giao dịch lãi. Sau đó, Minh dụ dỗ chị H. đầu tư để tận dụng cơ hội trong thời gian mình làm việc. Nếu chị H. đầu tư thì sẽ có tiền để làm từ thiện và lo cho cuộc sống gia đình. Tin tưởng, chị H. đã chuyển tiền vào số tài khoản trong hệ thống của chúng. Đến khi chị H. rút tiền lớn với tỷ lệ thắng lên đến 11 tỷ đồng, Minh nói phải nộp thuế 2,4 tỷ đồng. Tin lời, chị H. đã nộp số tiền trên nhưng không nhận được 11 tỷ đồng. Đến khi chị H. sẻ chia vụ việc trên cho người thân thì mới biết mình bị lừa đảo qua không gian mạng.
Một trường hợp khác bị lừa khá hy hữu là chị N. ở Hà Đông. Qua facebook, chị N quen với một người có tài khoản George Lee, quốc tịch Ý, sống tại Anh. Sau một thời gian liên lạc và tìm hiểu qua mạng, George Lee ngỏ lời yêu đương với chị N. đồng thời nói muốn tặng chị N. một món quà giá trị. Theo đó, để nhận quà, George Lee đã yêu cầu chị N. chuyển phí nhận quà.
Tính tới thời điểm làm đơn trình báo tới cơ quan chức năng, chị N. đã thực hiện 36 lần chuyển tiền cho George Lee với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Đó là toàn bộ số tiền bố mẹ chị N. đã bán đất để cho con gái mua nhà ở Hà Nội. Tuy nhiên, đúng thời điểm đang giữ tiền mua nhà của bố mẹ thì chị N. quen và có tình cảm với người đàn ông ngoại quốc để rồi đến bây giờ tiền mất mà tình cũng “cao chạy xa bay”.
Trước vấn nạn lừa đảo qua mạng hiện nay, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, để phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi trên, Bộ Công an đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân; kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại các sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng; phối hợp với ngân hàng nhà nước các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông… tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet, góp phần xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Triệu Mạnh Tùng cũng cho biết, Bộ đã tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài như Meta, Google, Amazon, Apple… để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, xóa bỏ các trang web, các ứng dụng giả mạo. Triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống các loại hình tội phạm công nghệ cao cho công an các đơn vị, địa phương,…
“Bộ Công an đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, đồng thời nhấn mạnh đây là giải pháp căn cơ, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Phó Cục trưởng Triệu Mạnh Tùng nói.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, Bộ Công an tiếp tục thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức nắm tình hình, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kín như Telegram, Viber, Zalo,… và xử lý khi đủ căn cứ theo quy định.