Theo nhận định của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam được coi là một “mắt xích” quan trọng trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á.
>>Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì về dự luật chuỗi cung ứng của EU?
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Chi Yuan Huang, Chủ tịch Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á tại Đài Loan (SIA), Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư FCC Partners, xung quanh vấn đề này.
- Các nhà đầu tư Đài Loan nhận định như thế nào về Việt Nam trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á, thưa ông?
Theo nhận định của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam là điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc). Việt Nam được đánh giá là một “mắt xích” quan trọng trong xu hướng dịch dịch chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á bởi các lý do sau.
Thứ nhất, Việt Nam và Đài Loan có nhiều nét văn hóa tương đồng, giúp giảm thiểu rào cản giao tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, tạo lợi thế về chi phí lao động và thị trường tiêu thụ nội địa tiềm năng.
Thứ hai là sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn. Hầu hết các nhà sản xuất điện tử lớn của Đài Loan đều đầu tư vào Việt Nam, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp Đài Loan.
Thứ ba là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các nước trong khu vực, mang lại tiềm năng phát triển to lớn cho các nhà đầu tư.
Thứ tư là sự đa dạng trong ngành công nghiệp. Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp đa dạng, tạo cơ hội đầu tư rộng mở cho các doanh nghiệp Đài Loan.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Đài Loan?
Có một số lý do chính khiến Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn từ Đài Loan thời gian qua như Chính phủ Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài hấp dẫn, đặc biệt là giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Việt Nam đã hình thành các cụm ngành điện tử, dệt may, da giày, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đài Loan tìm kiếm đối tác hợp tác, giảm chi phí sản xuất.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tập đoàn công nghệ và điện tử lớn như Apple, Samsung và Foxconn đã đầu tư và thành lập nhà máy tại Việt Nam, thu hút các nhà cung cấp Đài Loan đến Việt Nam đầu tư.
>>Chuỗi cung ứng mới: Cơ hội nào cho Việt Nam?
- Đầu tư của Đài Loan có thể hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thưa ông?
Doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh trong ngành công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT). Đài Loan có phần cứng và phần mềm rất tốt, đồng thời tích hợp phần cứng và phần mềm để tạo thành giải pháp tổng thể. Điều này giúp Việt Nam phát triển thành phố thông minh và nhiều ứng dụng khác liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài việc xuất khẩu giải pháp thông minh, xuất khẩu giải pháp phi carbon hóa cũng là xu hướng quan trọng trong tương lai của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0, đưa mục tiêu này thành chiến lược quốc gia và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp 4.0. Điều này tạo môi trường chính sách tốt cho doanh nghiệp Đài Loan phát triển tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Đài Loan đã có nền tảng tốt tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023 Đài Loan là đối tác đứng thứ 6 về đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn cấp mới 2,8 tỷ USD. Các khoản đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành điện tử, sản xuất công nghệ cao, sản xuất truyền thống, dịch vụ tiêu dùng… Đây là những đóng góp rất quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Điển hình, một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Đài Loan là Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn) cũng tiếp nối làn sóng trên khi gia tăng khoản đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam. Từ nhà máy đầu tiên tại Bắc Giang vào năm 2007 có giá trị đầu tư 1 tỷ USD, đến nay Foxconn đã có 4 nhà máy tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư hơn 15 tỷ USD.
- Ông có thể chia sẻ về kế hoạch mở rộng đầu tư và những kiến nghị của các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động ở Việt Nam?
Để đáp ứng nhu cầu thị trường gia tăng, các doanh nghiệp Đài Loan sẽ mở rộng năng lực sản xuất trong ngắn hạn ở Việt Nam. Theo đó, để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ hợp nhất các nhà cung cấp thượng nguồn và hạ nguồn, chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý và hòa nhập với địa phương, các doanh nghiệp Đài Loan sẽ dần tuyển dụng nhân tài địa phương Việt Nam vào các vị trí lãnh đạo…
Để tạo điều kiện và tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ Đài Loan, các doanh nghiệp Đài Loan mong muốn Việt Nam sẽ giải quyết bài toán thiếu điện. Đồng thời, xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành điện tử, bán dẫn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
03:00, 01/04/2024
03:30, 31/03/2024
03:00, 24/03/2024
03:30, 18/03/2024
03:00, 18/03/2024
14:30, 17/02/2024