TS TỪ SỸ SÙA, Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học GTVT khẳng định: việc quy định màu sắc taxi có thể giúp khách hàng dễ nhận biết, công tác quản lý cũng dễ hơn, nhưng sẽ gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp.
Hà Nội đang lấy ý kiến về Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Theo đó, Hà Nội sẽ tiến hành phân vùng hoạt động đối với việc quản lý xe taxi, yêu cầu áp dụng chung màu sơn và chung phần mềm quản lý. Ngay sau đó, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội góp ý về Dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố, với nhiều nội dung trái luật. Theo đó, Bộ GTVT cho rằng căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì Hà Nội quy định màu sơn xe taxi là không phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
11:40, 25/11/2018
21:59, 22/11/2018
04:55, 29/10/2018
04:30, 21/10/2018
- Ông có đánh giá như thế nào về phản hồi của Bộ GTVT trước đề xuất mặc đồng phục cho taxi của Hà Nội?
Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Giao thông-Vận tải lần này. Thực ra, câu chuyện khoác đồng phục cho taxi đã được đề xuất từ lâu nhưng lần nào đề xuất cũng gặp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận bởi về suy cho cùng, quy chế này còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn và thói quen đi lại của người dân, cũng như chức năng của taxi.
Dự thảo quản lý taxi gây nhiều lo lắng cho các hãng kinh doanh dịch vụ này. Ảnh Thanh Tuyền.
Trong bối cảnh hôm nay, việc quy định màu sắc taxi có thể giúp khách hàng nhận biết dễ dàng hơn, công tác quản lý của các lực lượng chức năng cũng dễ hơn. Song, việc này sẽ gây lãng phí và tốn kém lớn cho doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, đề xuất này có phần chưa phù hợp với thực tế phát triển của các loại hình taxi, đặc biệt là taxi công nghệ.
Thứ nhất, với sự phát triển của các loại hình xe taxi, đặc biệt là các loại hình thời 4.0 như Uber, Grab thì việc “khoác đồng phục” cho taxi càng là điều không cần thiết bởi khi áp dụng ứng dụng công nghệ, người dùng chỉ cần nhìn vào ứng dụng là có thể xác định được xem tài xe cách mình bao nhiêu chứ không cần phải nhìn vào màu sắc.
Cần có một ứng dụng hoạt động taxi chung cho tất cả các hãng theo các bước tiến công nghệ cho phép tối đa sự tương tác của người dùng...
Thứ hai, trong hơn 20 năm qua màu sơn, lôgô và tem phù hiệu đã góp phần rất quan trọng trong việc có thị phần vận chuyển hành khách của từng hãng, đồng thời tạo nên thương hiệu của taxi truyền thống nên việc yêu cầu này sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh một khoản chi phí không cần thiết và sẽ làm mất thương hiệu, hình ảnh của các doanh nghiệp vận tải taxi. Ví dụ đơn cử như taxi có màu xanh, nay nếu quy định màu đồng phục là màu khác thì sẽ làm khách hàng khó khăn hơn trong việc nhận diện hãng taxi quen.
Thứ ba, chức năng của taxi là phục vụ từ “cửa tới cửa”, phục vụ mọi nơi, mọi chốn chứ không phải là phân vùng như vậy. Việc phân vùng các loại xe taxi này sẽ khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn.
- Nhưng nhiều quan điểm lại khẳng định đề xuất quy định màu “áo” cố định cho xe taxi là rất cần thiết bởi điều này xây dựng hình ảnh văn minh, hiện đại và là tiền đề để thực hiện đề án quản lý giao thông, hạn chế phương tiện tại khu vực nội đô?
Suy cho cùng, về bản chất, taxi là một loại hình dịch vụ nên để xây dựng hình ảnh thì chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm hơn là việc tập trung vào việc mặc đồng phục cho xe. Bởi cho dù xe taxi có được mặc đồng phục đẹp đi chăng nữa mà chất lượng phục vụ không tốt thì cũng không thể xây dựng được hình ảnh về một taxi Thủ đô văn minh, hiện đại như mong muốn.
- Ở góc độ người làm nghiên cứu, ông có thể cho biết các nước trên thế giới quản lý taxi như thế nào?
Các nước trên thế giới, đều có cách quản lý với loại hình này khác nhau. Nếu tới New York, Nhật Bản, tại Anh các hãng taxi sơn được “mặc” chung một màu duy nhất. Tại Nhật Bản, khi thành lập các hãng taxi, ban đầu, TP sẽ mua một số loại xe khác nhau, màu sắc khác nhau để trưng cầu ý kiến của các hãng taxi và người dân. Nếu loại xe, màu sơn nào được chọn sẽ trở thành mẫu taxi tiêu chuẩn các hãng phải tuân thủ. Nhưng cũng có rất nhiều nước trên giới không mặc đồng phục cho taxi.
Song, tại Việt Nam chúng ta đã không làm được như vậy, thời gian dài vừa qua đã để taxi phát triển tự do nên việc thay đổi một sớm một chiều là điều rất khó.
Hơn nữa, theo tôi, UBND TP Hà Nội chỉ nên khuyến cáo và đưa ra các màu sơn để định hướng đơn vị taxi tự lựa chọn, nhằm thuận lợi cho việc kinh doanh và quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, thành phố không nên quy hoạch số lượng xe taxi vì theo Luật Quy hoạch, nội dung này là không được phép.
- Vậy theo ông, chúng ta phải quản lý taxi như thế nào?
Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động này. Hiện tại, với gần 80 hãng taxi trên địa bàn thành phố, cơ quan quản lý của Hà Nội chỉ nên quản lý về quy hoạch, bảo vệ quyền lợi hành khách, giá cả, an toàn, ứng dụng công nghệ trong quản lý, không nên áp đặt hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, trước mắt nên nghiên cứu cho ra đời một ứng dụng hoạt động taxi chung cho tất cả các hãng theo các bước tiến công nghệ. Ứng dụng này cho phép báo giá của tất cả các hãng khi nhập điểm đến, điểm đi. Đồng thời, cũng chọn lọc được những taxi không chở khách, đang trong quá trình trở về hoặc đang lưu thông lân cận… cho khách hàng tự do lựa chọn.
- Xin cảm ơn ông!