Giai đoạn hoàn lưu sau “bão” suy thoái kinh tế đã và đang khiến hàng loạt doanh nghiệp xứ Nghệ lao đao, khó lòng vực dậy.
>>Lối đi nào cho nông sản Nghệ An vươn mình ra thế giới?
Nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ có năng lực quản trị yếu, sức cạnh tranh thấp và “mỏng” vốn. Bởi vậy, điều mà cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cần nhất lúc này, đó là mong muốn các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, thúc đẩy và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Những tín hiệu kém lạc quan
Số lượng doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đóng cửa, rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp đà gia tăng đã dấy lên nhiều nghi ngại về một bức tranh kinh tế nhuốm màu u ám trong năm 2024. Đơn cử như trong bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội gần đây của ngành thống kê địa phương cho thấy, giai đoạn 4 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trên địa bàn là 888 doanh nghiệp, tăng 21,31% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 89 đơn vị, tăng 8,54%, số doanh nghiệp và số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã giải thể lần lượt là 75 và 79 đơn vị. Đáng chú ý, có 145 doanh nghiệp thông báo giải thể, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Lý giải về nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, do doanh nghiệp Nghệ An có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần đông với hơn 95%. Đây là lực lượng được đánh giá có khả năng cạnh tranh, thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, trình độ công nghệ còn rất nhiều hạn chế.
Do vậy, trong giai đoạn hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng diễn biến tình hình kinh doanh liên tục gặp bất ổn đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trở nên đuối sức, nản lòng vì vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp,… Chưa kể là các trở ngại khác liên quan đến thủ tục hành chính, môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh chưa được chính quyền địa phương cải thiện cũng đã khiến cho nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh càng thêm thoái chí và phương án tối ưu mà họ lựa chọn, đó là tháo lui khỏi thị trường để chờ cơ hội mới.
Cũng có thể thấy rõ vấn đề kém lạc quan nêu trên qua góc nhìn đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 9/5 mới đây. Theo đó, chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2023 nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng khi chỉ đạt 65,71 điểm, đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố của cả nước; tụt 21 bậc so với năm 2022.
Được biết, PCI chính là chỉ số quan trọng để đánh giá, xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Sự đánh giá trên thông qua 10 tiêu chí quan trọng. Cụ thể, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng…
Cần cải thiện môi trường kinh doanh
Dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp tỉnh Nghệ An vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức; nhất là đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vai trò của các cơ quan ban, ngành và chính quyền địa phương rất quan trọng.
Do đó, triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ, lấy sự thông thoáng và thuận lợi của môi trường kinh doanh làm nền tảng để giúp doanh nghiệp vực dậy để phát triển bền vững là những vấn đề trọng yếu mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền tỉnh Nghệ An quan tâm, chú trọng thực hiện.
Đơn cử như ý kiến của bà Trần Thị Hường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mercedes-Benz Vinamotor Nghệ An trong một buổi đối thoại gần đây giữa các doanh nghiệp và UBND TP. Vinh, tỉnh Nghệ An khi bày tỏ một số khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước.
Trên cơ sở đó, vị Phó Tổng Giám đốc này mong muốn chính quyền địa phương cần hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ các thủ tục hành chính, cũng như tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các quy định Nhà nước của doanh nghiệp, người dân.
“Các cơ quan ban ngành, cán bộ, công chức, viên chức nên xem các doanh nghiệp, người dân như những khách hàng của mình khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan”, bà Hường nói.
Tương tự, ông Đặng Văn Chiến – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn & Xây dựng Châu Thanh cũng đề xuất với chính quyền địa phương rằng: Cần tăng cường hơn nữa trong việc cải cách hành chính để rút ngắn tối đa thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; nhất là đối với các vấn đề liên quan đến thuế, chế độ chính sách, đãi ngộ trong thời điểm khó khăn này.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, chủ trương của Lãnh đạo tỉnh là phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và tỷ trong GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để làm được điều đó, vào trung tuần tháng 3/2024 vừa qua, Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Mục tiêu là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập. Đồng thời, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. cùng với đó là giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, giảm rủi ro chính sách, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm