Tài chính doanh nghiệp

MCH và bí quyết “Tăng trưởng cao - Rủi ro thấp”

Lê Mỹ 31/10/2024 11:00

Đằng sau những con số tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận cùng vị thế ở những ngành hàng giá trị tỷ đô, Masan Consumer có lợi thế lớn từ nền tảng đầu tư R&D vượt trội.

Masan Consumer (UpCOM: MCH) vừa có buổi chia sẻ thông tin kết quả kinh doanh quý III/2024 với các nhà đầu tư.

Hiệu quả từ chiến lược cao cấp hóa ngành hóa quy mô lớn

Với hơn 340.000 điểm bán GT, 6.000 điểm bán MT và 5 thương hiệu mạnh có doanh thu trên 100 triệu USD/năm, Masan Consumer đã thâm nhập gần như mọi ngóc ngách của thị trường Việt Nam, phục vụ 98% hộ gia đình Việt. Ông Huỳnh Việt Thăng, Giám đốc Tài chính Masan Consumer cho biết, trong quý III, Masan Consumer vẫn tiếp tục câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận nhiều hơn doanh thu. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, Masan Consumer ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý III và 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt tăng 14,5%, đạt 2.072 tỷ đồng và tăng 13,8% đạt 5.474 tỷ đồng.

Masan 1
Đại diện Masan Consumer chia sẻ thông tin KQKD quý III/2024

“Mặc dù GDP có sự tăng trưởng nhưng ngành hàng của FMCG có khó khăn, kết quả của Masan Consumer ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn so với tốc độ ngành hàng. Chi tiết sâu hơn về chỉ số tài chính, chúng tôi có thể khẳng định “các chỉ tiêu khỏe mạnh và ổn định”, ông Thăng cho biết.

Tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu Masan Consumer được dẫn dắt bởi chiến lược cao cấp hóa cho các ngành hàng quy mô lớn như Gia vị và Thực phẩm tiện lợi. Bên cạnh đó, các sáng kiến sản phẩm mới lại là chất xúc tác tăng trưởng chính cho ngành hàng Đồ uống và Chăm sóc cá nhân & gia đình (HPC).

Thế mạnh Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm (R&D) đã giúp Masan Consumer đón đầu các xu hướng mới để phục vụ các nhu cầu lớn của người tiêu dùng. Các sáng kiến mới của công ty như lẩu tự sôi, cơm tự chín, trà Bupnon Tea365 ứng dụng những công nghệ hoàn toàn mới, khác biệt với sản phẩm khác trên thị trường. 9 tháng đầu năm 2024, 125 sản phẩm mới mang về 1.518 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 7% vào tổng doanh thu của MCH và tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những phát kiến mới, chiến lược cao cấp hóa cũng tạo nên tăng trưởng vượt bậc cho một số ngành hàng lớn của Masan Consumer như Gia vị và Thực phẩm tiện lợi. Trong đó, doanh thu quý III/2024 từ các sản phẩm cao cấp chiếm 16% doanh thu nước mắm và 52% doanh thu thực phẩm tiện lợi, lần lượt tăng trưởng 11,4% và 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vào chiến lược cao cấp hóa này, biên lợi nhuận gộp quý III/2024 cải thiện 20 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2023 dù giá nguyên vật liệu cao hơn và doanh thu từ các mảng có biên lợi nhuận thấp hơn như Thực phẩm tiện lợi và HPC tăng mạnh.

Quý III/2024, MCH có chiến lược giảm các hoạt động xúc tiến thương mại để đầu tư các kênh bán hàng mới (Horeca, E-commerce, Rural) và xây dựng thương hiệu, tạo ra nhu cầu tiêu dùng tại điểm bán. Chiến lược này không chỉ cải thiện biên lợi nhuận trong ngắn và trung hạn, mà còn đảm bảo tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong dài hạn cho các sản phẩm của Masan Consumer.

Đối với ngành hàng Gia vị, Bà Đinh Hồng Vân - Giám đốc cấp cao ngành hàng gia vị Masan Consumer, cho biết chi tiết thêm, ngành hàng Gia vị của Masan Consumer tiếp tục giữ vai trò chủ lực với mức tăng trưởng 7,2% cho 9 tháng đầu năm nhờ vào chiến lược cao cấp hóa. Dòng sản phẩm cao cấp như nước mắm Chin-su và Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn đã đóng góp 16% doanh thu nước mắm trong quý III. Các sản phẩm khác trong danh mục gia vị cũng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu nhóm sản phẩm mới tăng 66% so với cùng kỳ, cho thấy tiềm năng mở rộng của thương hiệu Chin-su.

Với nước mắm, bà Vân thông tin Nam Ngư và Chin su đang phục vụ gần 70% sản lượng và doanh thu của gần như toàn ngành hàng. Đây là thị trường mà ở Việt Nam gần như “nhà nhà dùng nước mắm”, do đó chiến lược cao cấp hóa tăng giá trị sản phẩm từ chất lượng, đằng sau là công nghệ với cả một quá trình tuyển chọn, nâng cấp chất lượng, hình thức chai nhựa lên thủy tinh… đã mang lại giá trị cộng thêm cho nước mắm, và tất nhiên là giá trị về tăng trưởng doanh thu.

Ngành Thực phẩm tiện lợi duy trì đà tăng trưởng hai chữ số, với mức tăng 13,4% trong 9 tháng đầu năm 2024. Theo bà Nguyễn Trương Kim Phượng - Giám đốc Marketing Cấp cao – Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi, dòng sản phẩm Omachi, đại diện cho phân khúc cao cấp, đã tăng 24% trong quý III và hiện chiếm gần 50% tổng doanh thu của ngành hàng này, khẳng định xu hướng tiêu dùng cao cấp hóa của người tiêu dùng Việt. Biên lợi nhuận gộp của ngành hàng thực phẩm tiện lợi đã cải thiện 140 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Đặc biệt trong quý III, bà Phượng chia sẻ, nhãn hàng đã thực hiện 2 chiến dịch “Sáng nay ăn gì” và “Lead the trend”, giúp tăng trưởng ngành hàng và mang đến xu hướng mới. Nếu như năm ngoái là lẩu tự sôi thì năm nay là cơm tự chín, bữa ăn nhà hàng với cơm tự chín. Sản phẩm tích hợp 7 công nghệ không hề bình dân giúp Omachi không phải mì, mà là Food & Life-style (Thực phẩm và Phong cách sống), bà nhấn mạnh.

Đồ uống tiếp tục là ngành hàng chiến lược với mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 18,4% trong 9 tháng đầu năm. Dòng sản phẩm Wake-up 247 ghi nhận mức tăng trưởng 12,8% về doanh thu trong quý III, và Tea365 đạt 124 tỷ VND trong quý, chiếm 62% mức tăng trưởng doanh thu của ngành hàng, theo đại diện Masan Consumer cho biết.

Riêng với ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình, theo ông Huỳnh Việt Thăng, Chanté là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng với mức tăng 48,3% trong quý 3, đạt 147 tỷ VND. Ngày 1/10 vừa qua, Masan Consumer đã chính thức ra mắt sản phẩm Chanté trên kênh GT toàn quốc, dự kiến đạt doanh thu 2 tỷ đồng mỗi ngày. Chiến lược ngành hàng không chỉ giúp mở rộng quy mô mà còn giúp Masan Consumer khẳng định vị thế trong phân khúc chăm sóc cá nhân & gia đình.

Ngành hàng Cà phê của Masan Consumer ghi nhận doanh thu của cà phê pha sẵn tăng trưởng nhẹ do các hoạt động về giá. Biên lợi nhuận gộp giảm do giá hạt cà phê tăng nhanh. Công ty đang triển khai ra mắt các dòng sản phẩm phục vụ các hương vị theo từng vùng miền như Wakeup Mekong, được người tiêu dùng địa phương đón nhận.

Câu chuyện từ R&D vượt trội so với thị trường

Gần 30 năm qua, Masan Consumer đã không ngừng phát triển năng lực Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm để liên tục giới thiệu những sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng. Nhân lực R&D của Masan Consumer được chia làm 3 tầng: Tầng trên là các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm từ 20 năm trở lên, chịu trách nhiệm phát triển công nghệ, nền tảng mới. Tầng thứ hai là các đội ngũ quản lý với 15 đến 20 năm kinh nghiệm trong ngành hàng. Tầng thứ 3 là các bạn trẻ, được đào tạo bài bản, du học từ nước ngoài. Đây là những người dẫn dắt cho những câu chuyện mới, thực hiện nghiên cứu thị trường, bà Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm cấp cao, người có 27 năm gắn bó cùng doanh nghiệp này, chia sẻ.

Bà Lê Thị Nga - Giám đốc R&D của Masan Consumer
Bà Lê Thị Nga - Giám đốc R&D của Masan Consumer

Bên cạnh đội ngũ nhân lực R&D với bề dày kinh nghiệm, sự thấu hiểu người tiêu dùng cũng là chất xúc tác cho sự vượt trội của MCH so với thị trường. “Chúng tôi là người Việt và chúng tôi hiểu tận cùng khẩu vị của người Việt. Tại sao những sản phẩm nước mắm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn lại được các bà nội trợ mê mẩn đến vậy? Bởi vì chúng tôi biết ớt lấy ở đâu, tỏi Lý Sơn là số 1 của Việt Nam và dùng những công nghệ hiện đại để hoàn thiện sản phẩm và làm hài lòng người tiêu dùng” - đại diện Masan Consumer phát biểu tại sự kiện.

Bên cạnh khẩu vị, thấu hiểu ngôn ngữ của người tiêu dùng cũng là yếu tố mà Masan Consumer xem trọng trong công tác phát triển sản phẩm. Đơn cử, trong quá trình xây dựng trà Bupnon Tea 365, MCH gửi sản phẩm dùng thử và nhận được các phản hồi của một số người tiêu dùng về mùi vị của trà và nếu MCH không hiểu được những đánh giá, ngôn ngữ phản hồi này thì sẽ rất khó để hoàn thiện sản phẩm. Hiểu ngôn ngữ của người tiêu dùng đã giúp MCH ngay lập tức có sự điều chỉnh phù hợp cho sản phẩm.

Tốc độ ra mắt các sản phẩm đổi mới cũng là lợi thế vượt trội của Masan Consumer so với các công ty khác. Đối với các công ty đa quốc gia, tốc độ trung bình từ lúc “kick-off” cho đến khi tung sản phẩm mới ra thị trường mất trung bình khoảng 24 tháng. Đối với Masan Consumer, có những sản phẩm từ lúc lên kế hoạch cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thậm chí chỉ mất 2 tháng. “Những sản phẩm của chúng tôi đến từ sự nhiệt huyết, trí tuệ, để làm sao giới thiệu sản phẩm có chất lượng tốt nhất, nhanh nhất ra thị trường”, đại diện Masan Consumer cho biết.

Kể câu chuyện cách đây 12 năm, Masan Consumer ra mắt sản phẩm nước mắm Nam Ngư chua ngọt và không nhận được những kết quả như mong muốn; Tuy nhiên, doanh nghiệp không dừng lại ở đó mà kiên định, quyết tâm tạo ra sản phẩm mà người tiêu dùng đang thực sự mong chờ, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh: Masan Consumer và đội ngũ R&D của công ty đã có hàng chục năm kiên định nghiên cứu các sản phẩm cho bà nội trợ và sẽ luôn tiếp tục sự kiên định, quyết tâm này.

“12 năm trước chúng tôi chưa thành công vì chưa sở hữu công nghệ giữ các tỏi ớt tươi ngon trong quá trình bảo quản trên thị trường nhưng ngày hôm nay chúng tôi đã sở hữu công nghệ đó. Khách hàng khi mua sản phẩm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn và rót ra có thể thấy giống y như một chén nước chấm do đầu bếp pha. Một chén nước chấm như vậy có thể ăn cùng với nhiều các món khác nhau. Đó là câu chuyện về sự kiên định, quyết tâm của chúng tôi để tạo những sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu của người tiêu dùng” đại diện Masan Consumer bày tỏ.

Hành trình kiên định này cũng tiếp tục được doanh nghiệp triển khai cho sản phẩm khác như trà Bupnon Tea 365. Cụ thể, vào năm 2012, Masan Consumer cũng đã sản xuất ra nước trà đóng chai và chưa gặt hái thành công bởi không sở hữu những công nghệ vượt trội. Đến nay, nhờ ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất cùng sự thấu hiểu người tiêu dùng, sản phẩm trà Bupnon Tea 365 đã bắt đầu gặt hái những tích cực, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi.

Dấu ấn R&D tại câu chuyện tăng trưởng của Masan Consumer cũng được minh họa vô cùng nổi bật trong sản phẩm "Cơm tự chín" - 1 hộp cơm chứa trong mình 7 công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Đầu tiên đó là công nghệ giúp cho hạt gạo hoàn nguyên được trong vòng 15 phút với một chai nước bình thường so với gạo bình thường cần 30 phút để nấu chín, với 15 phút chúng ta đã có được một bát cơm ngon. Thứ hai là công nghệ bảo quản trong vòng 6 tháng. Masan Consumer đã xây dựng công nghệ này trong vòng 20 năm để có được miếng cá hồi, miếng bò sốt thơm ngon, giữ nguyên hương vị trong suốt quá trình bảo quản. Thứ 3 là Công nghệ sấy lạnh chân không, giúpviên canh khô, khi cho nước vào, người tiêu dùng có được một bát canh thơm ngon. Thứ tư là công nghệ lên men các món rau củ và loại rau bồn bồn là loại rau rất là phổ biến ở Việt Nam, Masan đã lên men chua để ăn cùng với món cơm, tạo ra hương vị vừa Việt Nam mà vừa Nhật Bản, mang lại cho người tiêu dùng một trải nghiệm mới. Thứ năm là công nghệ snack giúp cho cá cơm chiên bảo quản được độ giòn xuyên suốt trong 6 tháng. Thứ sáu là công nghệ làm xốt teriyaki ăn cùng với món cá hồi và xốt ponzu cho món bò hầm, giữ cho hương vị thơm ngon và Thứ bảy công nghệ tự sôi, như một cái bếp di động có thể mang bên người du lịch bất cứ lúc nào, chỉ cần đổ nước vào và trong 15 phút. Đây là một cách hâm nóng đồ ăn đơn giản và an toàn.

Một con số hết sức đặc biệt cho thấy năng lực và hiệu quả vượt trội từ đầu tư R&D giúp Masan Consumer thắng thế, tăng trưởng cao - rủi ro thấp, trên thị trường tiêu dùng: Tỷ lệ đầu tư/doanh thu cho R&D của MCH là 1, so với tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp cùng ngành trung bình từ 2-3%.

Trong thời gian sắp tới, Masan Consumer sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm ứng dụng 7 công nghệ đặc biệt trên để phục vụ đa dạng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Sản phẩm cơm tự chín, lẩu tự sôi với giá cả thấp hơn để phù hợp phục vụ cho các khách hàng như sinh viên, người tiêu dùng có nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm.

MS 1
Tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu Masan Consumer được dẫn dắt bởi chiến lược cao cấp hóa cho các ngành hàng quy mô lớn như Gia vị và Thực phẩm tiện lợi.

Trong chiến lược Go Global, ghi nhận theo thông tin tài chính, quý III/2024, doanh thu xuất khẩu của Masan Consumer đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, từ 271 tỷ đồng lên 303 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu mảng kinh doanh này tăng 19% so với cùng kỳ, từ 674 tỷ đồng lên 801 tỷ đồng. Đại diện Masan Consumer khẳng định kết quả đã minh chứng cho tiềm năng đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm gia vị và mì ăn liền của công ty đang được người tiêu dùng tại nhiều thị trường đón nhận tích cực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Đây là một bước tiến quan trọng để Masan Consumer chinh phục không chỉ 100 triệu người Việt mà còn 8 tỷ người tiêu dùng toàn cầu.

Song hành cùng sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai, Masan Consumer đã và đang xây dựng một chiến lược ESG toàn diện, với mục tiêu giảm 5-10% lượng nước sử dụng hàng năm và tăng tỷ lệ tái chế chất thải lên 50% vào năm 2025.

Liên quan thông tin được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, MCH cho biết đã có các thông tin báo cáo đến cơ quan chức năng và đại chúng theo đúng quy định.

Được biết, ghi nhận từ dữ liệu doanh nghiệp, vào ngày 2/10 vừa qua, Masan Consumer đã công bố kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ sàn UPCoM sang sàn HoSE. Bên cạnh đó, MCH cũng công bố kế hoạch chào bán 326,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:45,1 (Cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu có quyền mua thêm 451 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Đây được giới đầu tư nhận định như là những động thái có thể chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu MCH tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE).

Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2024, Masan đặt mục tiêu hoàn tất quá trình niêm yết cổ phiếu MCH tại HoSE trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
MCH và bí quyết “Tăng trưởng cao - Rủi ro thấp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO