Miễn, giảm lãi cho Doanh nghiệp cần sát với nhu cầu thực tế (bài 4)

HÀ PHƯƠNG 11/08/2021 05:15

Tiếp tục các bài viết liên quan đến việc Ngân hàng và Doanh nghiệp mắc kẹt về Thông tư 03/2021 của NHNN, kiến nghị mới của các doanh nghiệp là việc miễn, giảm lãi phải sát nhu cầu thực tế.

Doanh nghiệp kiến nghị, miễn giảm lãi theo Thông tư 03/NHNN cần sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiến nghị, miễn giảm lãi theo Thông tư 03/NHNN cần sát với nhu cầu thực tế 

Còn vướng mắc giữa quy định với thực tiễn

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02), các khoản nợ sau khi được miễn, giảm lãi phải thực hiện phân loại nợ vào nhóm 3 (do khách hàng suy giảm khả năng tài chính); đồng thời Thông tư 02 không có quy định về việc phân loại nợ vào nhóm nợ thấp hơn, mặc dù sau khi được miễn, giảm lãi khách hàng đã trả nợ đầy đủ các kỳ tiếp theo.

Vì vậy theo quy định tại Thông tư 03/2021, đối với các trường hợp doanh nghiệp được miễn, giảm lãi mặc dù được giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 1, thì vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng bổ sung phần chênh lệch theo nhóm nợ quy định tại Thông tư 02 (trích lập theo nhóm 3).

Ông Nguyễn Hữu Phong - Giám đốc Công ty  XNK Hải Hà - chia sẻ, việc miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư 03 với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, về mặt bản chất không giống với việc miễn, giảm lãi cho khách hàng theo Thông tư 02. Nguyên do là doanh nghiệp không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng, sau khi được miễn, giảm lãi một phần theo Thông tư 03, doanh nghiệp đã thực hiện trả nợ đầy đủ lãi phát sinh các kỳ tiếp theo; tuy nhiên tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn phải trích lập dự phòng bổ sung tính trên toàn bộ dư nợ của khách hàng trong trường hợp không được giữ nguyên nhóm nợ (nhóm 3). Điều đó dẫn đến không phản ánh đúng thực trạng của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều TCTD cũng phản ánh có trường hợp doanh nghiệp được miễn, giảm lãi với số tiền rất nhỏ nhưng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro trên toàn bộ dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Như vậy ảnh hưởng đến tình hình tài chính cho ngân hàng và chưa phản ánh chính xác rủi ro của doanh nghiệp…

Ngoài ra, khoản nợ được miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư số 03 đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mang tính chất đặc thù. Trường hợp các doanh nghiệp đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, đề nghị NHNN cho phép TCTD không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02.

Kiến nghị khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng nói với DĐDN, "Thông tư 03 chưa quy định cho phép các TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với các số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện nay, việc khoanh nợ không tính lãi mới chỉ được áp dụng đối với các khoản vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP. Việc khoanh nợ không tính lãi trong một thời hạn hợp lý cũng là một trong những giải pháp cần được nghiên cứu, xem xét áp dụng đồng bộ với giải pháp cơ cấu nợ khi đặt trong bối cạnh dịch COVID-19 như hiện tại. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất áp dụng biện pháp khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn..."

Trong quá trình thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và mức giảm tính trên tổng dư nợ hiện hữu theo thỏa thuận của Hiệp hội Ngân hàng, đại diện Hiệp hội chia sẻ thêm, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN thì việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bị giới hạn chỉ một phần dư nợ. Cụ thể, số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

Do vậy, nếu thực hiện giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên tổng dư nợ hiện hữu thì phần dư nợ miễn giảm lãi suất cho vay không thuộc Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Để tạo thuận lợi cho các ngân  hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay theo chủ trương trên, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, NHNN có hướng dẫn cụ thể phần dư nợ gốc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 không được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN...

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng và Doanh nghiệp mắc kẹt vì Thông tư 03/2021 (bài 1)

    Ngân hàng và Doanh nghiệp mắc kẹt vì Thông tư 03/2021 (bài 1)

    15:00, 06/08/2021

  • Doanh nghiệp kiến nghị cơ cấu lại nhóm nợ và lùi thời hạn trả nợ vay (bài 2)

    Doanh nghiệp kiến nghị cơ cấu lại nhóm nợ và lùi thời hạn trả nợ vay (bài 2)

    09:01, 09/08/2021

  • Cần cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp vay trung, dài hạn (bài 3)

    Cần cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp vay trung, dài hạn (bài 3)

    05:00, 10/08/2021

  • Thông tư 03 tác động ra sao tới các ngân hàng niêm yết?

    Thông tư 03 tác động ra sao tới các ngân hàng niêm yết?

    06:30, 08/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Miễn, giảm lãi cho Doanh nghiệp cần sát với nhu cầu thực tế (bài 4)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO