Với chiến lược xây dựng đế chế F&B lớn trong khu vực, các tổ chức thành viên của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi ra sức mua gom cổ phần của các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam, trong đó có cổ phiếu Vinamilk.
Sau khi chuyển 5 tỷ USD để sở hữu hơn 53% cổ phần Sabeco, tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi tiếp tục đổ tiền vào các doanh nghiệp Việt, mà mới đây nhất là Vinamilk.
Miệt mài gom cổ phiếu VNM
Thương vụ này được kích hoạt bởi quỹ ngoại F&N Dairy Investments Pte. Ltd, một đơn vị thuộc Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Cụ thể, quỹ này vừa đăng ký mua thêm hơn 14,5 triệu cổ phiếu Vinamilk với mục đích đầu tư trong thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn từ ngày 10/01/2018 đến ngày 08/02/2018.
Hiện F&N đang sở hữu 239.463.148 cổ phiếu, tương ứng 16,5% vốn điều lệ Vinamilk. Nếu giao dịch lần này thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại Vinamilk lên 253.975.935 cổ phần, chiếm 17,5% vốn điều lệ. Với mức giá 210.000 đồng/CP (ngày 08/01/2018), dự kiến Tỷ phú Thái Lan sẽ chi ra khoảng 3.047 tỷ đồng để sở hữu hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong đợt giao dịch lần này.
Đây không phải lần đầu F&N Dairy đăng ký mua thêm cổ phiếu VNM, mà trước đó quỹ này đã nhiều lần đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu VNM nhưng hết thời gian cũng chỉ mua được rất ít, hoặc thậm chí không mua được thêm cổ phiếu nào. Thậm chí sau khi đấu giá trượt, F&N Dairy muốn chi tiếp khoảng 200 triệu USD để mua gần 22 triệu cổ phiếu Vinamilk. Tuy nhiên trong lần gần nhất, F&N Dairy chỉ mua được 2 triệu cổ phiếu Vinamilk.
Tham vọng của tỷ phú Thái
Như vậy, sau Sabeco, động thái liên tục mua vào cổ phiếu Vinamilk dù thất bại nhiều lần cho thấy quyết tâm sở hữu của đại gia này.
Cuối năm 2017, TCC đã chuyển gần 5 tỷ USD thanh toán cho thương vụ mua 343,66 triệu cổ phiếu (53,6%) Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu.
Ở Việt Nam, ngoài Sabeco và Vinamilk, các đơn vị thuộc TTC Holding đã mua thành công 100% cổ phần Metro Cash & Carry Việt Nam, sở hữu 65% Phú Thái và 65% khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.
Với Vinamilk, đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường và cũng luôn được đánh giá là doanh nghiệp hiếm có trên sàn chứng khoán – đang giao dịch ở P/E 26 lần. Trong một thập kỷ trở lại đây, cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam luôn nằm trong đích ngắm của nhiều quỹ đầu tư tên tuổi.
Có lẽ chính vì lý do này mà vị tỷ phú Thái Lan, ông Charoen cho rằng: "Đầu tư chiến lược vào Vinamilk cho phép chúng tôi giảm sự phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm là Singapore, Malaysia và Thái Lan và tham gia vào sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục có được mối quan hệ tuyệt vời với Ban lãnh đạo của Vinamilk vì lợi ích của tất cả cổ đông."
Có thể nói chính khoản đầu tư vào Vinamilk đã giúp tập đoàn F&N tránh khỏi một năm kinh doanh ảm đạm. Trong năm tài chính 2017 (kết thúc vào 30/09/2017), doanh thu của F&N đã giảm xuống mức 1,6 tỷ USD so với mức 1,67 tỷ USD của năm 2016. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng yếu và môi trường ngày càng cạnh tranh trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống) tại các thị trường cốt lõi của tập đoàn. Xét về cơ cấu doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh, các sản phẩm từ sữa là nguồn thu chính cho tập đoàn này (chiếm 58%), tiếp sau đó là lĩnh vực đồ uống (chiếm 26%). Lợi nhuận trước chi phí lãi vay và thuế (PBIT) cũng ghi nhận sự áp đảo của lĩnh vực sữa khi ghi nhận tỷ lệ cơ cấu lên đến 120%, thể hiện tốc độ tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác mà tập đoàn F&N đang kinh doanh.
Vai trò của Vinamilk thực sự nổi bật khi phân tích cơ cấu doanh thu và lợi nhuận theo vùng địa lý khi tập đoàn này phân chia thành các thị trường cốt lõi và các thị trường mới (trong đó có Việt Nam). Dù không ghi nhận doanh thu cho tập đoàn này như Malaysia, Singapore hay Thái Lan nhưng thị trường Việt Nam đóng góp tới 47% lợi nhuận trước lãi vay và thuế (PBIT) của F&N. Nhờ có nguồn thu nhập từ cổ tức và thu nhập từ các sản phẩm từ sữa cao hơn năm trước (phát sinh từ công ty liên kết là Vinamilk), F&N đã ghi nhận khoản Lợi nhuận trước chi phí lãi vay và thuế (PBIT) tăng trưởng 7%, lên tới 204 triệu USD.
Nguyên nhân là do trong năm tài chính 2017, tập đoàn F&N đã tiến hành đánh giá lại khoản đầu tư tại Vinamilk từ “Đầu tư tài chính” sang “Đầu tư vào công ty liên kết”, đem về khoản lợi nhuận khác gần 1,2 tỷ SGD. Hoạt động đánh giá lại phù hợp với chuẩn mực kế toán số 28 của Singapore do F&N sở hữu 18,74% cổ phần Vinamilk và góp mặt 2 thành viên trong HĐQT nên được coi là có tầm ảnh hưởng quan trọng (significant influence) tại đây.