Chính trị - Xã hội

Mô hình chính quyền đô thị - Bước đột phá để Hải Phòng phát triển

Hải Ngân 30/11/2024 13:23

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng là cơ sở quan trọng tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố.

58.jpg
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025

Bộ máy tinh gọn

Sáng 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng với 454/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng, TP Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố là UBND quận, còn chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố là UBND phường. Điều đó có nghĩa sẽ không tổ chức HĐND ở quận, phường.

Về số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, Phó Chủ tịch UBND phường, Nghị quyết quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND tại các quận, phường căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính để bảo đảm tương đồng với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP Hải Phòng, UBND quận, phường, Nghị quyết không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công, việc thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường thuộc quận. Không quy định nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố, quận trong việc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận, trong quản lý và tổ chức sử dụng công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao… bởi đây là các nội dung đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận, ý kiến của đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND TP Thủy Nguyên, nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản thực hiện theo quy định chung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Quốc hội cũng cho phép quy định rõ trong nghị quyết HĐND TP Thủy Nguyên được thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế - Đô thị và Ban Kinh tế - Xã hội, đồng thời xác định cụ thể về lĩnh vực phụ trách của các ban nói trên.

60.jpg
Khu vực Trung tâm Hành chính - Chính trị mới của TP Hải Phòng, Thủy Nguyên đang dần được hoàn thiện

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 để địa phương có đủ thời gian chuẩn bị các công việc cần thiết cho việc triển khai thực hiện nghị quyết và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của thành phố.

Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng theo mô hình quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2026 để tương ứng với nhiệm kỳ 2026-2031 của HĐND, UBND các cấp như đối với các địa phương khác.

Tạo động lực cho sự phát triển bứt phá

Thực tế, TP Hải Phòng được xác định không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là trọng điểm phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển của khu vực Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời là trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, kinh tế TP Hải Phòng phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng, khẳng định được vị thế của thành phố cảng biển.

61.jpg
TP Hải Phòng được xác định là trọng điểm phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển của khu vực Bắc Bộ và cả nước

TP Hải Phòng hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, việc Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng được thông qua sẽ là cơ sở để địa phương này xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cao, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý. Từ đó, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của thành phố.

Ông Bùi Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Logistics Tân Hải Long chia sẻ, trước TP Hải Phòng, cả nước có 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng mới sẽ góp phần đưa địa phương phát triển năng động, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và tiến tới xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới.

Được biết, trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó bao gồm TP Hải Phòng.

Theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025, TP Hải Phòng sẽ có thêm 2 đơn vị hành chính đô thị là thành phố Thủy Nguyên, quận An Dương và mở rộng không gian quận Hồng Bàng. Như vậy, huyện Thủy Nguyên chính thức trở thành thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên tại miền Bắc.

Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội thông qua để TP Hải Phòng sáp nhập nhiều phường, xã trên địa bàn thành phố. Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 217 đơn vị xuống còn 167 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp này sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố, góp phần xây dựng TP Hải Phòng xứng tầm với vị thế của đô thị loại I cấp quốc gia.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Quang Trung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng cho biết: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra đến năm 2030 “Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp yêu cầu của thành phố thông minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mô hình chính quyền đô thị - Bước đột phá để Hải Phòng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO