Trong thế giới số hoá và hướng tới kinh tế xanh, tự động hóa được xem là “chìa khóa” khơi mở tiềm năng đổi mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp, tổ chức thích nghi và phát triển bền vững.
>>Màn hình tự động hóa: Loại hình quảng cáo thú vị mới
Trao đổi với DĐDN, PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hoá TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: các thiết bị, giải pháp công nghệ hiện đại đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc theo dõi trực quan, thường xuyên quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, các sản phẩm công nghệ thế hệ mới hướng tới phát triển kinh tế xanh chú trọng nhiều hơn đến việc giảm tiêu hao và quản lý năng lượng chủ động, nâng cao năng suất lao động…
- Xu hướng chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp ngành tự động hoá, thưa ông?
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã chuyển từ các yếu tố như tài nguyên, lao động nhân công rẻ sang đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Đây là “chìa khoá” để doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập nhanh. Thực tế tại nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ mới tạo thành chuỗi sản xuất tiêu thụ có giá trị gia tăng cao hơn so với mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống.
Với 16 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực thực thi, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong tham gia hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Để nắm bắt những cơ hội và bắt kịp xu thế toàn cầu, doanh nghiệp cần có sự thích ứng nhanh chóng thông qua tái cơ cấu sản xuất, từng bước chuyển đổi sản xuất thông minh bằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
- Ông đánh giá như thế nào về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Với năng lực tiếp thu công nghệ tốt, các doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế lớn để để tiếp cận nhanh chóng với việc sử dụng máy móc thiết bị hiện đại cũng như sản phẩm, giải pháp công nghệ mới. Đặc biệt, yếu tố cốt lõi trong phát triển công nghệ mới chính là chuyển giao, thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Từ nền tảng lợi thế đã có, doanh nghiệp có thể phát huy tốt hơn việc chuyển hoá thành tựu khoa học công nghệ thành sản phẩm của mình trong tương lai.
- Tuy nhiên, thực tế quan hệ hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp lại thiếu chặt chẽ và bền vững, thưa ông?
Theo tôi, việc hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học với doanh nghiệp còn hạn chế và chưa hệ thống bởi thiếu sự hỗ trợ một cách thiết thực. Chúng ta đang vấp phải một số vấn đề cơ bản như sở hữu trí tuệ chưa được thực thi một cách hiệu quả vì vậy chưa thể thúc đẩy nhanh việc ứng dụng hay thương mại hoá nghiên cứu khoa học.
Tại nhiều nước, đăng ký sở hữu trí tuệ là việc làm phổ biến của các viện, trường, các nhà khoa học khi có sáng chế, phát minh, nghiên cứu có giá trị kinh tế cao. Trong khi ở nước ta thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ hay quy định hiện hành chưa tạo động lực cho việc khai thác, thương mại hóa phát minh, sáng chế liên quan đến công nghệ, khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, để thúc đẩy nhanh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hoá tốt cho doanh nghiệp cần có sự động viên và hỗ trợ bằng cơ chế chính sách đặc thù để doanh nghiệp có thể chấp nhận rủi ro ban đầu. Thế nhưng, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đặc thù này.
Mới đây, tại triển lãm về năng lượng tổ chức tại Việt Nam, các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã giới thiệu những mô hình nghiên cứu khoa học được hỗ trợ rất tốt để viện nghiên cứu, trường đại học gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp sản xuất. Từ sự gắn kết này đã tạo ra nhiều sản phẩm, thiết bị công nghệ mới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
- Ông có đề xuất kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tự động hoá phát triển?
Trước hết, cần xây dựng môi trường hợp tác, kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu phù hợp với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ để có thể đưa các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế, giải quyết những bài toán mà nền kinh tế và doanh nghiệp đặt ra. Có được cơ chế hợp tác này giúp chúng ta làm chủ công nghệ mới, giải pháp mới phù hợp với đặc thù Việt Nam, không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật một cách có hệ thống đảm bảo theo quy tắc của các tổ chức quốc tế cũng như đảm bảo cho các chương trình, kế hoạch đã có sẽ được thực thi một cách nghiêm túc trên thực tiễn. Tôi lấy đơn cử Chương trình phát triển năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Việt Nam đã được ban hành nhiều năm trước nhưng đến nay, hệ thống các công cụ từ đo lường, kiểm toán năng lượng cho đến thực thi giải pháp mang tính bắt buộc để thúc đẩy doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện một cách hệ thống và phát triển bền vững vẫn chưa đầy đủ, gián tiếp hạn chế sự phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, trong đó có tự động hoá.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm