Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm sản, thủy sản với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 08/3/2025 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2025 và Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 về việc nâng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng trên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngày 15/4/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 2756/NHNN-TD đề nghị các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản.
Theo đó, chính thức mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của NHNN thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng (theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại). NHNN cũng lưu ý các nội dung liên quan khác tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của NHNN Việt Nam.
Các Ngân hàng tham gia chương trình bao gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TMCP Công thương Việt Nam, TMCP Ngoại thương Việt Nam, TMCP Lộc Phát, TMCP Sài Gòn Thương tín, TMCP Quân đội, TMCP Á Châu, TMCP Nam Á, TMCP Phương Đông, TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, TMCP Bản Việt, TMCP Sài Gòn - Hà Nội, TMCP Việt Nam Thương Tín, TMCP Phát triển Hồ Chí Minh thực hiện theo dõi, thống kê kết quả triển khai Chương trình và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo NHNN Việt Nam, cung cấp cho các cơ quan liên quan khác (nếu có). Các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm việc triển khai thực hiện theo đúng cam kết của Chương trình này (về đối tượng, lãi suất).
Ngoài các ngân hàng có tên trên, NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại khác có nhu cầu tham gia Chương trình thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Được biết, gói tín dụng nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục duy trì ưu đãi với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thương mại từ khoảng 1-1,5%. Trước đó, gói được xây dựng với trị giá 15.000 tỷ đồng vào giữa tháng 7/2023, tập trung cho vay lâm, thủy sản. Sau đó, đến cuối năm 2023 nâng lên 30.000 tỷ đồng và sang năm 2024 nâng lên 60.000 tỷ đồng, tốc độ giải ngân rất nhanh chóng. Các doanh nghiệp lâm thủy sản tiếp cận tín dụng theo chương trình đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa tiếp vốn quan trọng, "đo ni đóng giày", phù hợp với doanh nghiệp.
Tại TP Hồ Chí Minh, trước đó vào khoảng tháng 3/2025, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cũng cho biết các ngân hàng thương mại đang triển khai đăng ký một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông, lâm thủy sản với lãi suất ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, việc nâng quy mô của gói tín dụng cho vay lĩnh vực nông lâm thủy sản và mở rộng đối tượng sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhóm ngành này tiếp tục tăng trưởng và phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.