UBND tỉnh Bình Phước vừa đề xuất thành lập sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng) trên cơ sở mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thành lập sân bay lưỡng dụng ở Bình Phước cần cân nhắc tính chiến lược, hiệu quả cho cả vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đã yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, phối hợp với đơn vị tư vấn để lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng, làm cơ sở thực hiện các thủ tục theo quy định. Cụ thể, tỉnh Bình Phước sẽ lập dự án mở rộng sân bay lên quy mô 400 – 500 ha theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng vừa ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT bổ sung Cảng hàng không Bình Phước vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Hồng Nhung, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Công ty Cổ phần IBlockchain, cho rằng việc đầu tư sân bay lưỡng dụng nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế của Bình Phước là cần thiết. Song, nếu chỉ xét đến 300 dự án FDI với tổng số vốn hơn 2,7 tỷ USD thì chưa đủ sức thuyết phục, mà phải nghĩ đến tính chiến lược cho cả vùng.
Bởi, Bình Phước chỉ cách sân bay Tân Sân Nhất 100km, Sân bay Long thành hơn 100km… nên việc đầu tư mở rộng sân bay để phục vụ riêng cho tỉnh Bình Phước thì hơi lãng phí. Chưa kể, địa hình và cơ cấu kinh tế của Bình Phước chủ yếu là nông nghiệp, mặc dù mới đây, tỉnh này đã có quy hoạch chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp. Song, nếu xét về tính hiệu quả trong khai thác đường bay thì độ khả thi sẽ không cao. Do đó, cần cân nhắc kỹ đến yếu tố của cả vùng để phát huy hiệu quả mang tính chất chung.
Cũng theo bà Nhung, không chỉ Bình Phước, mà các tỉnh có sân bay hiện hữu cũng cần xem xét lại vai trò từng nơi, không thể tỉnh nào cũng hình thành sân bay quốc tế, trong khi lượng khách quốc tế không đủ. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ tiêu chí lựa chọn cảng hàng không mới cho phù hợp, về dân số, khoảng cách giữa các sân bay, đặc biệt là bài toán kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Võ Quang Thuận – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, cho rằng có được sân bay là tốt, song hiện nay địa phương nào cũng nhăm nhăm xây sân bay để phát triển kinh tế - xã hội, trong khi việc phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông kết nối… để kích cầu và tạo đà cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển thì vẫn đang được bỏ ngỏ.
“Bình phước cũng có cửa khẩu (cửa khẩu Hoa Lư), nhưng từ bao nhiêu năm nay, cửa khẩu này được đầu tư ra sao? Hạ tầng giao thông kết nối thế nào? Đã được đầu tư bài bản chưa và kế hoạch thu hút đầu tư ra sao?, thì lại ít ai quan tâm đến là rất đáng lưu ý” – ông Thuận đặt vấn đề.
Cũng theo ông Thuận, trong điều kiện của Bình Phước như hiện nay thì bài toán về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối chính là nhân tố chính quyết định thu hút đầu tư, chứ không phải là sân bay. Do đó, tỉnh Bình Phước nên quan tâm, trú trọng tới dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, để giúp phát triển các khu công nghiệp quan trọng của Bình Phước (trong đó tiêu biểu là KCN Becamex Bình Phước hơn 4.600ha và KCN Minh Hưng 655ha). “Giải được bài toán hạ tầng giao thông không chỉ giúp cho sự thay đổi cục diện của tỉnh Bình Phước trong phát triển kinh tế, mà còn kết nối, tạo sự lưu thông thuận lợi giữa Bình Dương, TP.HCM và các cửa khẩu nói chung” – ông Thuận nhấn mạnh.
Theo dự thảo Quy hoạch mới tới năm 2030, tầm nhìn 2050, Cục Hàng không đề xuất tới năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (giảm hai sân bay so với quy hoạch hiện hành). Trong đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản (Sơn La) và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030. Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển lên 30 sân bay. Khi đó mới triển khai đầu tư sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô (có thể thêm sân bay Tiên Lãng để thay thế sân bay Cát Bi, Hải Phòng). Đặc biệt, theo Cục Hàng không, với sân bay số hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội, chỉ được nghiên cứu vị trí sau năm 2040, thay vì nêu rõ là khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội), như đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng đã phân tích và đưa ra các phương án đầu tư các sân bay ở các khu vực như một số tỉnh đề xuất. Tuy nhiên, căn cứ vào vị trí địa lý, lượng khách trong tương lai, đơn vị tư vấn đã lựa chọn đưa ra các đề xuất như trên. Như vậy, việc một số địa phương đưa ra đề xuất sẽ khó được chấp thuận. Tuy nhiên, hiện dự thảo trên đang được Bộ gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. Do đó, trong các góp ý của mình, nhiều tỉnh thành đề xuất có thêm sân bay tại địa phương mình trong quy hoạch. |
Có thể bạn quan tâm