Từ 1/5/2025, Quảng Ninh và Hải Phòng nhất trí mở thông tuyến du lịch từ vịnh Hạ Long sang vịnh Lan Hạ, góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Ngày 26/4, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thông tin về việc triển khai thu phí tham quan đối với một số hành trình du lịch mới trên vịnh Hạ Long, đồng thời liên thông các tuyến tham quan giữa Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) bắt đầu từ ngày 1/5/2025, theo Nghị quyết số 51/2025/NQ-HĐND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã hoàn thiện phương án thu phí đối với 3 hành trình tham quan mới Vịnh Hạ Long 6, 7, 8 (VHL6, VHL7, VHL8) và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế liên kết, mở thông tuyến giữa các hành trình Vịnh Hạ Long 3, 4, 5, 6 (VHL3, VHL4, VHL5, VHL6) trên Vịnh Hạ Long với các tuyến du lịch Vịnh Lan Hạ.
Cùng với đó, các tàu du lịch từ Cát Bà (Hải Phòng) đủ điều kiện sẽ được phép đưa khách tham quan các hành trình VHL3, VHL4, VHL5, VHL6 và đón/trả khách tại các cảng tàu quốc tế Tuần Châu và Hạ Long, với điều kiện phải tuân thủ các quy định vận hành của tỉnh Quảng Ninh và ký hợp đồng hoạt động với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, việc liên thông này phù hợp với chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường hợp tác với TP Hải Phòng trong khai thác Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, xuất phát từ việc thuyền du lịch đi qua danh giới giữa Vịnh Lan Hạ và Hạ Long và chỉ đỗ tại địa điểm bên Vịnh Lan Hạ, giáp gianh với Vịnh Hạ Long là một điều bất cập. Khách du lịch buộc phải chuyển tải bằng cano hoặc thuyền rất là bất tiện. Sau rất nhiều phản hồi của khách du lịch, Quảng Ninh đã chấp nhận phương án cho phép tàu, thuyền du lịch được phép sang trực tiếp đón khách qua Vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, Hiệp hội du lịch của Hải Phòng cũng đề xuất việc Quảng Ninh nên kết nối thêm một số tuyến điểm tham quan hiện nay ở trên Vịnh Hạ Long, tuy có công bố nhưng lượng khách rất ít, đó là các tuyến tham quan VHL 3 và VHL 4. Những tuyến tham quan này có rất nhiều điểm đẹp và giáp gianh với các tuyến tham quan của Hải Phòng.
Ông Vũ Kiên Cường cũng chia sẻ rõ hơn về lợi ích của việc hợp tác giữa Quảng Ninh và Hải Phòng trong việc chính thức liên thông giữa vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long từ ngày 1/5 tới. Theo ông, đây là những đề xuất mà Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thấy rất là chính đáng và có rất nhiều các cơ sở để thực hiện. Ngoài ra, khi mà có các đề xuất của các Hiệp hội Du lịch của Hải Phòng, cũng đã tạo ra rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
“Sau khi tiêu nhận các ý kiến này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã rất kịp thời, yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất và tổ thức các cuộc họp về vấn đề này. Trước đó, đầu tháng 4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị và Ban Quản lý vịnh Hạ Long để xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho du lịch vịnh Hạ Long trong năm 2025”, ông Vũ Kiên Cường cho biết.
Cũng theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hàng năm có số lượng khách tham quan rất lớn từ Vịnh Lan Hạ đi qua cả Tuần Châu và Sun Group của Quảng Ninh. Số lượng khách này theo thống kê lên tới 300 – 400 ngàn lượt khách, chủ yếu là người nước ngoài. Và ở chiều ngược lại, lượng khách quốc tế từ Quảng Ninh sang Cát Bà cũng rất lớn, năm 2024 ước đạt 500.000 lượt khách. Nếu liên thông giữa hai điểm du lịch này, sẽ tạo ra một nguồn thu lớn cho cả Quảng Ninh và Hải Phòng.
Vài năm gần đây, Quảng Ninh đang đặt chất lượng du lịch làm trọng tâm. Song song với duy trì các sản phẩm truyền thống tạo dựng thương hiệu, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm cao cấp, độc bản, tận dụng lợi thế Vịnh Hạ Long để thu hút phân khúc khách hàng cao cấp, qua đó tối ưu doanh thu bền vững.
Trên thực tế, việc liên kết các điểm tham quan không chỉ tối ưu hóa nguồn lực du lịch, giảm thiểu tình trạng “ngủ đông” tại những tuyến xa trung tâm như Vịnh Hạ Long 3 và Vịnh Hạ Long 4, mà còn hạn chế xung đột trong khai thác tuyến và giảm tải áp lực lên hệ thống giao thông đường thủy vốn đã quá tải.
Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng hàng loạt các giải pháp: Các cảng biển chuẩn bị cơ sở vật chất đón tàu từ Cát Bà; Sở Xây dựng rà soát cấp phép luồng tuyến; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ký hợp đồng vận hành với đơn vị đạt chuẩn và tổ chức thu phí; Công an tỉnh tăng cường tuần tra, đảm bảo an ninh đường thủy.
Có thể thấy, hành trình liên thông Vịnh Hạ Long - Vịnh Lan Hạ không chỉ nâng trải nghiệm du khách, tăng sức cạnh tranh cho du lịch địa phương mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh: Kết nối vùng, khai mở giá trị di sản và hướng đến phát triển bền vững.