Giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm, vì sao?

Diendandoanhnghiep.vn Trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, nhiều Đại biểu đặt vấn đề: sửa luật có giải quyết được tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công?

ĐB Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Sửa Luật chỉ mang tính “chữa cháy”

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

Với tư cách người chủ trì thẩm tra Luật Đầu tư công, tôi có thể khẳng định những yếu tố khiến giải ngân chậm đầu tư công trong 2 năm vừa qua không nằm trong nội hàm luật mà do tư duy cán bộ giao triển khai. Bản thân mỗi bộ ngành, địa phương trên nguồn vốn trung hạn được phân, phải tự quyết dự án nào làm trước, dự án nào làm sau để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy nhiên thực tế, chúng ta vẫn chưa kịp chuyển đổi tư duy làm theo luật, theo kế hoạch cân đối với nguồn lực quốc gia.

Nhìn lại ngay Bộ KH-ĐT và điều hành của Chính phủ trong năm 2018, việc phân vốn tới 4 lần cũng đã kìm lại tốc độ giải ngân đầu tư công. Nếu thực hiện tốt quy định của Luật, giao vốn đúng hạn và thực hiện hậu kiểm thì vấn đề giải ngân đã tốt hơn rất nhiều. Hãy nhìn lại vốn trái phiếu của Chính phủ ở kho bạc gửi vào tổ chức tín dụng thì sẽ thấy trách nhiệm của bộ phận được phân công giải ngân triển khai đầu tư công lớn như thế nào đối với đất nước.

Dự luật Đầu tư công mới đi vào vận hành hơn 3 năm, trong đó chúng ta còn chưa làm tốt nhiều quy định về vốn đầu tư trung hạn, triển khai phân vốn, thì không thể nói tới những việc khác. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc sửa Luật chỉ là hình thức chữa cháy chứ không thể đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các năm khác.

ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Các dự án đầu tư công đều phải điều chỉnh vốn

Đại biểu Đỗ Văn Sinh

Đại biểu Đỗ Văn Sinh

Thực tế, để phê duyệt, triển khai một dự án đầu tư công, ngoài Luật Đầu tư công còn liên quan tới Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... Phân vốn chỉ là giai đoạn đầu. Theo Luật Đầu tư công, tất cả công trình đều phải được đưa vào kế hoạch dài hạn 5 năm. Khi triển khai phải lập trình tự từ dưới lên trên và được chốt trong khung kế hoạch đó.

Trong trường hợp được phê duyệt chủ đầu tư muốn triển khai phải lập dự án, lập thiết kế cơ sở trình lên Bộ Xây dựng - đây chính là nút thắt lần hai. Đi vào triển khai nếu vướng mắc phát sinh, buộc điều chỉnh lại vốn, lại phải báo cáo lên Bộ KH-ĐT, quay về thẩm định lại. Mà hồ sơ giải trình còn phức tạp hơn ban đầu.

Thực tế, tất cả các dự án đầu tư công đã và đang triển khai đều phải điều chỉnh vốn. Một năm cả nước có khoảng 2 nghìn công trình đầu tư công, trong khi đầu mối giải quyết thủ tục lại tập trung vào 2 bộ KH-ĐT và Xây dựng. Thậm chí nếu dự án phát sinh vốn lớn còn phải trình Quốc hội điều chỉnh.

Bên cạnh đó, còn các yếu tố khác dẫn tới giải ngân chậm như công tác giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu…So với dự án tư nhân, đầu tư công đang đi ngược lại theo hướng: Làm dự án rất nhanh nhưng sai sót rất nhiều, triển khai chậm, hiệu quả lại rất thấp. Tuy nhiên, từ trước tới nay vẫn không có ai chịu trách nhiệm. Dự án chậm, kéo dài đội vốn cũng chả ai làm sao, tôi chưa thấy người đứng đầu nào bị xử lý!

ĐB Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Cần thay đổi quy định lựa chọn dự án đầu tư trong kế hoạch trung hạn

ĐB Hoàng Văn Cường

ĐB Hoàng Văn Cường

Giải ngân chậm trước hết là bởi vốn đầu tư phân bổ chậm, song ngay cả khi có giao vốn đúng hạn, chủ đầu tư cũng chưa thể giải ngân ngay được tiền vốn mới giao. Thủ tục này thường kéo dài cho nên dù vốn có rồi nhưng cũng không thể giải ngân khi chưa xong thủ tục đấu thầu, dự toán chưa được phê duyệt chính thức.

Do đó, một trong những yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật Đầu tư công là thay đổi quy định phương thức lựa chọn dự án đầu tư được đưa vào phân bổ vốn trong số các dự án thuộc danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, để được phân bổ vốn đầu tư hằng năm, dự án phải được phê duyệt đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, có nghĩa là dự án này phải được xây dựng và thẩm định sơ bộ từ 5 năm trước kỳ kế hoạch. Đến đầu năm kế hoạch, dự án nào được lựa chọn đưa vào kế hoạch năm thì dự án đó mới được phân bổ vốn đầu tư và khi đó mới bắt đầu chuẩn bị các thủ tục triển khai.

Thông thường, sau thời gian 5 năm, các thông số ban đầu đã có nhiều thay đổi, nội dung tính toán, đề xuất dự án trở nên lạc hậu, đến khi được phân bổ vốn mới biết chính thức dự án được triển khai, mới bắt tay vào chuẩn bị lại dự án. Vì vậy, vốn đầu tư đã được phân bổ nhưng không thể giải ngân ngay được vì còn mất thời gian chờ đợi để chuẩn bị lại dự án.

Để khắc phục tình trạng này, việc sửa đổi Luật Đầu tư công nên bổ sung thêm kế hoạch đầu tư công ba năm theo phương thức cuốn chiếu (năm kế hoạch cộng với hai năm dự kiến tiếp theo). Những dự án được đưa vào kế hoạch đầu tư công ba năm thì có nghĩa là gần như chắc chắn sau hai năm nữa sẽ được phân bổ vốn. Như vậy, dự án đó sẽ có hai năm để rà soát, hoàn thiện lại và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý. Đến năm kế hoạch được phân bổ vốn, dự án đã có đầy đủ thủ tục và bắt tay vào giải ngân được ngay.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cũng cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định. Phải cương quyết xử lý các dự án chưa đủ điều kiện giải ngân vốn, hoặc giải ngân chậm, cần thu hồi vốn không đủ điều kiện giải ngân để bổ sung sớm cho các dự án khác có đủ khả năng triển khai.

Ông Trần Quốc Phương, người phát ngôn Bộ KH-ĐT:

Tập trung sửa quy định về trình tự, thủ tục xét duyệt dự án đầu tư công

Ông Trần Quốc Phương

Ông Trần Quốc Phương

Thực tế, khi triển khai dự án đầu tư công, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn.

Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, dẫn đến sau khi bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Luật Đầu tư công cũng đã bộc lộ hạn chế cần thiết phải sửa đổi. Cụ thể, một số quy định hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công như việc điều chỉnh giữa các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế.

Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu gồm: đối tượng, trình tự, thủ tục dự án. Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi chú trọng đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công, từ phân cấp điều chỉnh dự án đến phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm, vì sao? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714348761 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714348761 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10