Quyền lực điều phối trên thị trường dầu mỏ quốc tế đang thay đổi. OPEC, Nga và Trung Quốc đã tìm thấy nhiều mối lợi tương đồng.
>>“Gót chân Asin” của dầu mỏ
Cơ cấu quyền lực trên thị trường dầu mỏ đang biến chuyển song song với sự thay đổi của trật tự toàn cầu. Đã xuất hiện những bằng chứng gây ngạc nhiên ở nhiều nơi. Điều gì đã diễn ra?
Tuần trước, OPEC+ đã quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày. Theo tổ chức này giải thích, mục đích giảm sản lượng dầu để neo giá - bởi vì OPEC+ là tập hợp những quốc gia có nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ.
Như vậy, lần đầu tiên sau nhiều năm, người Mỹ bất lực trong việc điều khiển giá dầu. Hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và hệ thống Petrodollars không đủ sức răn đe các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Cần nhớ lại sự kiện trước khi EU chuẩn bị cấm dầu Nga, Tổng thống Joe Biden đã liên hệ với UAE, Iran và Venezuela ngỏ ý đề nghị các nước này tăng sản lượng khai thác một khi kênh buôn bán với Nga chấm dứt. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp lại.
Giữa tháng 7, ông Biden đích thân công du một số nước Trung Đông, ông đến với đồng minh ruột thịt Israel trước, như một ngụ ý phủ đầu với thế giới Ả rập; sau đó mới tới lãnh thổ Palestine và Saudi Arabia.
Chuyến đi không có kết quả gì cụ thể, nên ngay lúc này Mỹ phải xả kho dầu dự trữ chiến lược nhằm cứu vãn tình hình trong nước, với hy vọng xoa dịu cơn thịnh nộ dân chúng trước khi bầu cử giữa kỳ diễn ra trung tuần tháng 11 tới.
Đau hơn với Mỹ và châu Âu là quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ như ném cho Nga chiếc phao cứu sinh, vì nếu giá dầu rớt sâu tự khắc kinh tế Nga sụp đổ, không đủ sức duy trì cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi châu Âu và Mỹ chật vật chống suy thoái, bất ổn chính trị thì Trung Quốc và Ấn Độ quá an toàn với kho dự trữ dầu khổng lồ, khi họ đã mua dầu Nga từ sau ngày 24/2, lúc cao điểm hơn 2 triệu thùng/ngày.
Ông Tập Cận Bình vừa củng cổ quyền lực cho ít nhất 5 năm tới, bây giờ Bắc Kinh tiếp tục duy trì trạng thái “tọa sơn quan hổ đấu”, họ không quá áp lực với trách nhiệm “xử lý khủng hoảng năng lượng” và các vấn đề toàn cầu khác - vốn chỉ dành cho các cường quốc bá chủ, thị uy.
Tuy nhiên, gió đã đảo chiều trong quan hệ quốc tế, không dễ dàng gì OPEC+ lại quyết định quá bất lợi cho Mỹ và châu Âu, gián tiếp tương trợ cho Nga, duy trì cuộc chiến phần đông lên án chỉ trích.
Đáng chú ý, sản lượng cắt giảm của OPEC+ tương đương với khối lượng Trung Quốc mua của Nga từ tháng 3 đến tháng 9. Có nghĩa rằng, lượng dầu mà Trung Quốc sở hữu đủ lấp đầy nhu cầu bình thường cho toàn thế giới, ít nhất vài tháng.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, vai trò của Bắc Kinh ở Trung Đông tăng lên trông thấy. Rõ ràng, các quốc gia Ả rập đã hoạch định cho tương lai gần khi ngôi vị bá chủ toàn cầu của Mỹ đang bị thách thức. Họ bắt đầu hướng Đông nhiều hơn.
Đồng Nhân dân tệ và đồng Rúp bắt đầu giao dịch trong hoạt động mua bán dầu mỏ, kéo theo cả Iran, Khối kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) hình thành đồng tiền chung - nguy cơ không thể xem thường với Petrodollars.
Nhiều dấu hiệu dự báo OPEC+ cùng với Nga và Trung Quốc tìm thấy điểm giao cắt. Hiện thời, chính trục này đang điều khiển giá dầu thế giới chứ không phải là Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Dầu mỏ - "vũ khí" gây sát thương mạnh của Nga
04:00, 12/08/2022
Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
04:30, 28/06/2022
Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
04:30, 22/06/2022
Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
04:30, 17/06/2022
“Cú sốc” cấm vận dầu mỏ Nga
12:06, 05/06/2022
Nga "né" lệnh trừng phạt dầu mỏ của EU như thế nào?
04:30, 03/06/2022
EU cấm vận dầu mỏ, Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine?
15:26, 31/05/2022