Một năm kinh tế khó khăn, đẩy ngành ô tô giật lùi 3 năm

TRẦN THỦY 23/02/2024 04:51

Một năm kinh tế khó khăn, đã khiến quy mô thị trường ô tô giật lùi 3 năm liền, chỉ còn tương đương năm 2020. Kỳ vọng đạt ngưỡng 800.000 xe vào thời điểm 2025 khó thành hiện thực.

>> Tồn kho ô tô tiếp tục tăng, “đại hạ giá”, “khuyến mãi khủng” còn kéo dài

Kỳ vọng không thành

Cách đây vài năm, Bộ Công thương đã đưa ra dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 800.000 xe vào thời điểm 2025. Tuy nhiên, xét trên thực tế đang diễn ra, thì dự báo này khó thành hiện thực.

Sau khi đạt quy mô hơn 520.000 xe vào năm 2022, các doanh nghiệp đã kỳ vọng thị trường ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng dương, hướng tới con số 600.000 xe vào năm 2023. Tuy nhiên, thực tế lại đảo ngược, năm 2023 thị trường ô tô tăng trưởng âm 25%, đưa quy mô giảm chỉ còn khoảng 420.000 xe.

Để đạt quy mô 800.000 xe vào cuối năm 2025 thì tổng doanh số bán trong 2 năm 2024 và 2025 phải đạt gần 400.000 xe nữa. Điều này rất khó thành hiện thực. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tăng trưởng trên thị trường ô tô năm 2024 vào khoảng 10%, tương đương với hơn 40.000 xe. Ước tính quy mô sẽ đạt gần 500.000 xe. Kịch bản tích cực nhất, năm 2025 thị trường ô tô tăng trưởng 30% thì quy mô cũng chỉ tăng lên 650.000 xe/năm.

ccc

Công nghiệp ô tô Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh minh họa)

Một năm kinh tế khó khăn, đã khiến thị trường ô tô thụt lùi 3 năm liền, quy mô chỉ còn tương đương với năm 2020. Tăng trưởng âm 25% đã làm giảm gần 100.000 xe, trong đó khoảng 70.000 xe sản xuất lắp ráp trong nước, là con số rất lớn, nằm ngoài mọi dự báo.

Theo ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), năm 2023 doanh thu từ sản xuất linh kiện ô tô của Thaco giảm 20% so với năm 2022, chỉ đạt gần 8.700 tỷ đồng. Nguyên nhân do tiêu thụ ô tô giảm, dẫn đến sản lượng xe sản xuất lắp ráp giảm, nên nhu cầu về linh kiện cũng giảm theo. Dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục khó khăn.

Các doanh nghiệp rất kỳ vọng quy mô thị trường ô tô tăng cao, sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Chuẩn bị cho cơ hội này nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch đầu tư để đáp ứng. Tuy nhiên, kịch bản lại không như mong đợi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 sản lượng ô tô lắp ráp trong nước đạt 347.400 xe, giảm 12% so với 2022. Năm 2024 có tăng 10% thì cũng chỉ đạt sản lượng khoảng 400.000 xe, chưa vươn tới “đỉnh cao 2022”. Với hàng trăm mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước mà tổng sản lượng chỉ đạt 400.000 xe, bình quân 1 mẫu xe chỉ đạt con số vài nghìn chiếc/năm.

Cơ hội mất dần

Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Quy mô và sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả và ngược lại. Với quy mô thị trường nhỏ bé và sản lượng riêng của từng mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước thấp, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển.

Theo các doanh nghiệp, một mẫu xe phải đạt được doanh số bán từ 50.000 chiếc/năm trở lên mới khả thi để đầu tư sản xuất linh kiện, phát triển chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành. Trong khi đó, tại Việt Nam, đến nay chưa có mẫu xe nào đạt doanh số này cả. Năm 2023 mẫu xe do doanh nghiệp trong nước sản xuất lắp ráp có doanh số bán cao nhất mới đạt 17.452 xe. Ngoài ra có 5 mẫu xe nữa đạt sản lượng từ 10.000 đến gần 17.000 xe, còn lại tất cả đều có doanh số bán thấp, dưới 10.000 xe. Doanh số bán thấp, sản xuất giảm, nên ngành công nghiệp ô tô phát triển “giật lùi”. Không biết đến khi nào một mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước mới có thể đạt sản lượng 50.000 xe/năm?

ccc

Tại Việt Nam chưa có mẫu xe nào đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm. (Ảnh minh họa)

Giới chuyên môn nhận định, với sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước thấp, sẽ phải mất nhiều năm nữa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới có thể khắc phục hết bất lợi, để chuyển hóa thành lợi thế, nhưng thời gian thì không chờ đợi.

Hiện tại, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống còn 0% và sắp tới là châu Âu, Nhật Bản... thì việc đảm bảo xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng sản lượng không hề dễ dàng. Nếu sản xuất linh kiện không phát triển thì công nghiệp ô tô Việt Nam khó thoát khỏi lắp ráp giản đơn.

Để doanh nghiệp ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng lớn. Muốn ngành công nghiệp ô tô đạt sản lượng lớn, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, phải giảm các loại thuế phí, giúp giảm giá xe. Chỉ có các giải pháp về thuế, phí hợp lý, mới tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

  • Ô tô tồn kho từ năm 2023 đồng loạt “xả hàng”, giảm giá sâu

    Ô tô tồn kho từ năm 2023 đồng loạt “xả hàng”, giảm giá sâu

    11:13, 17/02/2024

  • Người Việt không chịu mua xe, thị trường ô tô suy giảm sâu nhất Đông Nam Á

    Người Việt không chịu mua xe, thị trường ô tô suy giảm sâu nhất Đông Nam Á

    04:24, 08/02/2024

  • Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn

    Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn

    04:40, 26/01/2024

  • Doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được hỗ trợ

    Doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được hỗ trợ

    04:56, 05/01/2024

  • Thị trường ô tô suy thoái, công nghiệp hỗ trợ lao đao

    Thị trường ô tô suy thoái, công nghiệp hỗ trợ lao đao

    04:11, 02/01/2024

  • Ngành ô tô gặp khó khăn, ngân sách thất thu lớn

    Ngành ô tô gặp khó khăn, ngân sách thất thu lớn

    08:34, 21/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một năm kinh tế khó khăn, đẩy ngành ô tô giật lùi 3 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO