Không chỉ mập mờ về căn cứ xác nhận áp mã HS của Tổ chức Hải quan Thế giới, việc áp mã HS mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” của Hải quan Việt Nam cũng đang đi ngược với nhiều nước…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, việc đột ngột thay đổi áp mã HS đối với mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” của Công ty CP thương mại Polvita (Công ty Polvita) - địa chỉ tại Lô B7-B8, ngách 1, ngõ 187 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội (từ mã HS 2106.90 sang mã HS 1517.90.90 cho các tờ khai từ ngày 05/9/2014), cơ quan Hải quan đã khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại, trong đó, ngoài việc phát sinh hàng loạt các chi phí thì sự thay đổi đột ngột này, còn đẩy Công ty Polvita vào “luồng đỏ”…
Ngày 04/12/2019, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 7550/TCHQ-TXNK về việc phân loại mặt hàng khai báo đối với “thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, thông báo tới Cục Hải quan TP. Hà Nội và Công ty Polvita, đơn vị này cho biết, đang gửi hồ sơ xin ý kiến phân loại từ Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).
Ngày 11/3/2020, đơn vị này tiếp tục có văn bản số 1502/TCHQ-TXNK trả lời Cục Hải quan TP. Hà Nội và doanh nghiệp về việc phân loại đối với sản phẩm “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, trong đó có trích dẫn một số văn bản đã ban hành và tham khảo ý kiến phân loại của Tổ chức Hải quan Thế giới tại thư số 20NL0019-DC ngày 18/02/2020,… để khẳng định việc áp mã HS cho sản phẩm trên là 1517.90.90(?).
Tuy nhiên, trong mail trả lời những kiến nghị của Công ty Polvita ngày 14/05/2020, Ban thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (Ms Tatiana Terziyska) có nêu: “Chúng tôi đã chuyển công văn và đề nghị với Cơ quan Hải quan Việt Nam về ý kiến phân loại hiện có CO2106.90/37” (Bản tạm dịch doanh nghiệp cung cấp - PV).
Vậy, căn cứ nào để Tổng cục Hải quan khẳng định mã HS đối với mặt hàng phẩm “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” là 1517.90.90? Những căn cứ này có được công khai tới doanh nghiệp hay không? Có bao nhiêu doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ việc áp mã HS tương tự?
Trong đó, liên quan đến những nội dung kể trên, Công ty Polvita cũng đã có những tìm hiểu thông tin gửi đến Hải quan các nước trong khối ASEAN như: Singapore (email trả lời ngày 22/4/2020); Brunei (email trả lời ngày 16/4/2020); Cam-pu-chia (email trả lời ngày 21/4/2020); Lào (email trả lời ngày 29/4/2020); Phi-lip-pin (Công văn số 20-0733 ngày 28/4/2020);… đều cho hay, mã HS đang được áp đối với sản phẩm “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” là 2106.90.
Đặc biệt, thông qua một công ty tại Singapore nộp đơn và các giấy tờ liên quan lên Cơ quan Hải quan nước này yêu cầu một phán quyết chính thức cho mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, ngày 19/5/2020, Cơ quan Hải quan Singapore đã ban hành phán quyết phân loại số CRL-200428-0001 phân loại mã HS cho sản phẩm này là 2106.90.72.
Quay trở lại thông tin về vụ việc, sau khi nhận được quyết định ấn định thuế số 283/QĐ-HQHN ngày 30/3/2020 và quyết định xử phạt hành chính số 292/QĐ-XPVPHC ngày 07/4/2020, mặc dù không đồng ý với các nội dung việc áp mã HS, thế nhưng, Công ty Polvita vẫn chủ động nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền gần 5 tỉ đồng.
Trong đó bao gồm, truy thu thuế nhập khẩu, VAT đối với mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” (quyết định số 238/QĐ-HQHN ngày 30/3/2020); tiền thuế nộp chậm (quyết định số 238/QĐ-HQHN ngày 30/3/2020); xử phạt vi phạm hành chính (quyết định số 292/QĐ-XPVPHC ngày 07/4/2020).
Mặc dù còn nhiều tồn tại cần được làm rõ, thế nhưng, hệ lụy đã đổ lên đầu doanh nghiệp, ngoài việc nghiệp phát sinh một khoản chi phí lớn lên tới gần 5 tỉ đồng, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, những thay đổi “đột ngột” mà các cơ quan Hải quan đã tiến hành, còn đẩy doanh nghiệp vào “luồng đỏ” trong phân luồng hàng hóa (xuất/nhập khẩu).
Một doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành như Công ty Polvita, có đáng chịu cảnh khó chồng khó? Nhất là khi việc thay đổi trong áp mã HS đối với sản phẩm “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” vẫn còn đó nhiều nghi vấn.
Công ty Polvita nhập khẩu mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” từ năm 2010 cho đến nay. Từ năm 2010-2019 Công ty Polvita đã mở tổng cộng 78 tờ khai nhập khẩu liên quan đến mặt hàng này qua nhiều Chi cục Hải quan khác nhau tại Hà Nội và Hải Phòng. Các Chi cục này đã kiểm tra 12 lần cho những tờ khai có chứa mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, tất cả đều không có ý kiến việc kê khai mã HS cho sản phẩm này là 2106.90.
Ngày 07/8/2019, Cục Hải quan TP Hà Nội đã ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan số 1134/QĐ-HQHN tại trụ sở cơ quan Hải quan với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 05 năm đối với Công ty Polvita và theo thông báo kết quả kiểm tra sau thông quan số 2740/TB-HQHN ngày 27/8/2019. Cục Hải quan TP Hà Nội có ý kiến yêu cầu Công ty Polvita kê khai nộp thuế bổ sung cho mặt hàng "Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” khi chuyển sang mã HS 1517.90.90 cho các tờ khai từ ngày 05/9/2014.
Cục Hải quan TP Hà Nội ban hành Quyết định ấn định thuế số 283/QĐ-HQHN ngày 30/3/2020 và Quyết định xử phạt hành chính số 292/QĐ-XPVPHC ngày 07/4/2020.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm