"Công xưởng thế giới" là biệt danh giành cho nền công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc. Đó vừa là thành tựu, vừa là nguyên nhân của 40 năm đổi mới
Nếu có trên tay một chiếc điện thoại Iphone hoặc Ipad, hãy lật ngược lại mặt sau sẽ thấy dòng chữ “Designed by Apple in California/ Assembled in China”. Tạm dịch: Thiết kế bởi Apple ở California/ Lắp ráp tại Trung Quốc.
Từ đây, có một thực tế phải thừa nhận, nước Mỹ không thể sản xuất và lắp ráp Iphone! Nói như vậy có nghĩa, người Mỹ chỉ là chủ sở hữu bản quyền thiết kế, sáng tạo, các công đoạn còn lại từ sản xuất linh kiện, lắp ráp, đóng gói, đều được thực hiện ở Thâm Quyến - Trung Quốc.
Apple sẽ chết ngay tức khắc nếu chuyển về Mỹ - khi nó bị đội lên khoảng 15% chi phí. Bởi vì, người Mỹ không có thói quen để làm việc 3 ca mỗi ngày, ăn, ở, sinh hoạt và làm việc như thiêu thân trong những nhà máy khổng lồ, tạo ra 350 chiếc trong một phút, với thù lao 400 - 600 USD/ tháng. Quá hấp dẫn ở Trung Quốc nhưng rất bèo bọt ở Mỹ!
Nước Mỹ, với 325 triệu dân, các nhà quản lý ở Apple không thể tìm đâu ra 0,35 triệu công nhân - tương đương dân số một thành phố trung bình ở Mỹ để tập trung vào một công việc duy nhất là lắp ráp Iphone. Nhưng ở Trung Quốc điều đó rất dễ dàng.
Iphone như một sản phẩm mang tính chất xuyên quốc gia, Apple cần hàng ngàn đối tác phụ trợ, và cũng không tìm đâu ra nơi nào phong phú như Trung Quốc, họ có ZTE, Huawei, Qualcomm…thừa sức cung ứng từ chi tiết nhỏ nhất.
Có thể bạn quan tâm
13:45, 20/12/2018
06:35, 17/12/2018
Không chỉ Iphone mà nhiều sản phẩm khác - đa số mang dòng chữ “Made in China”. Đó là lý do nảy sinh nhiều câu hỏi: Sao hàng nhập khẩu Mỹ lại là Made in China? hay như Made in China thì là hàng Trung Quốc chứ hàng Mỹ gì? Thậm chí, một số người còn khẳng định “Đây là hàng Tàu thì chất lượng chắc chắn không ra gì!?...
Mấu chốt vấn đề ở chổ, Trung Quốc đã giải được bài toán NHÂN CÔNG cho thế giới công nghiệp. Và đó cũng chính là lý do tại sao người ta phong cho Trung Quốc biệt hiệu “công xưởng thế giới”.
Nói không quá rằng, nền kinh tế Trung Quốc bứt phá nhờ giá nhân công rẻ hơn, dựa trên một quy mô dân số khổng lồ, đa số có gốc gác nông thôn - họ cảm thấy hứng khởi với đô thị và các nhà máy như biểu tượng của sự ấm no.
Đây không đơn thuần là vấn đề công ăn việc làm, mà Trung Quốc - thật ra đã giải quyết được một khâu tối quan trọng trong kinh tế học, đó là: Làm giảm đến mức tối đa “giá trị của hàng hóa sức lao động” đây là khái niệm trừu tượng nhưng mọi hàng hóa nếu muốn lưu thông thành công ra thị trường phải vượt qua.
Có thể hiểu “giá trị hàng hóa sức lao động” được đo gián tiếp bằng những giá trị hàng hóa tiêu dùng mà người lao động dùng để tái sản xuất sức lao động và nuôi sống gia đình. Hay nói cách khác đó là mối quan hệ hữu giữa giá nhân công và giá cả tiêu dùng.
Vậy điều này có ý nghĩa thế nào? Khi giá cả hàng hóa tiêu dùng rẻ hơn thì người lao động không mất quá nhiều chi phí để tồn tại, khi chi phí cần thiết giảm xuống thì người lao động cảm thấy hài lòng hơn với thu nhập.
Đây là “cơ hội” để các ông chủ doanh nghiệp duy trì sức lao động của công nhân ở mức thấp nhất có thể, qua đó giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Rõ hơn nếu so sánh với Mỹ, giá một bữa điểm tâm là 2 USD thì người Mỹ cần mức lương cao hơn để có thể duy trì sức lao động. Ngược lại một suất mỳ ăn liền ở Trung Quốc khoảng ¼ USD thì người Trung Quốc vẫn cảm thấy “dễ thở” với mức lương thấp hơn ở Mỹ nhiều lần.
Đó chính là cốt lõi để hình thành và duy trì công xưởng thế giới - nơi tập trung của những nhà sản xuất quốc tế lớn nhất; những mặt hàng thiết yếu nhất với số lượng lớn nhất và quan trọng là giá thành rẻ nhất. Dĩ nhiên bản quyền và tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Hãy xem thử vài con số: Tính trung bình, Trung Quốc sản xuất 81,1 chiếc điều hòa không khí tính trên 1.000 người mỗi năm, so với mức trung bình 4,8 chiếc của phần còn lại của thế giới; 238,3 chiếc máy tính cá nhân/1.000 người mỗi năm, so với mức 5,9 chiếc/1.000 người mỗi năm của phần còn lại của thế giới; 840,7 điện thoại di động/1.000 người/năm, so với tỷ lệ 83,6 chiếc/1.000 người của phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc thu được gì từ công xưởng thế giới? Rất nhiều thứ - ngoài những thứ có thể lượng hóa bằng tiền thì nước này còn tranh thủ một cách triệt để công nghệ tiên tiến nhất.
Điều đó giải thích vì sao không công ty nào trên thế giới có thể cạnh tranh được với các nhà cung ứng phụ trợ đến từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp từ phụ trợ rồi trở thành đối thủ đáng gờm với “công ty mẹ” đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.Và thực tế, một số lĩnh vực trọng yếu Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ.
Điều đó cũng có thể giải thích vì sao Trung Quốc được xem là thủ phủ hàng giả của thế giới. Họ không thể làm chủ được công nghệ của Honda, Toyota, Mercedes hay Apple, Samsung…nhưng họ biết cách tạo ra bất cứ “bản sao” nào y hệt “bản chính”.
Dường như rất ngẫu nhiên! Những sản phẩm như thế đánh trúng tâm lý khách hàng các thị trường mới nổi, dễ tính, thu nhập thấp như Đông Nam Á, Châu Phi…
Đây cũng là nguyên nhân để người ta thống kê được đa số vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc, nước này cũng là “bên liên quan” trong rất nhiều vụ kiện cáo liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ mang tính chất quốc tế.
Và điều đó cũng giải thích vì sao, nền công nghệ đậm đà tính bắt chước của Trung Quốc bị xem là thiếu bền vững, điều đó phần nào đã lộ ra trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, mà gần nhất là chiến tranh thương mại.
Cuối cùng, đó lại là lý do để nhiều chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc đánh giá nước này không thật sự hùng cường như những gì họ cho thấy bề ngoài (!?).