Vụ Mr Pips lừa 5.300 tỷ không chỉ là tội phạm mạng tinh vi, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh khi hơn 1.000 sinh viên trẻ sa chân thành mắt xích tội lỗi…
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Phó Đức Nam (biệt danh Mr Pips, sinh năm 1994, trú tại Bà Rịa Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (sinh năm 1990, Hà Nội) cầm đầu, vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá, đã gây chấn động dư luận.
Tổng số tiền bị chiếm đoạt và thu giữ lên tới 5.300 tỷ đồng. 33 bị can đã bị khởi tố, 5 đối tượng bị truy nã quốc tế. Đây được coi là một trong những đường dây lừa đảo qua mạng tinh vi và quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Điều khiến dư luận bàng hoàng hơn cả chính là phát ngôn từ Giám đốc Công an TP Hà Nội: hơn 1.000 học sinh, sinh viên có liên quan đến vụ án. “Phải xử lý nghiêm, vì biết rõ là lừa đảo nhưng vẫn tham gia” – lời khẳng định không chỉ là cảnh báo pháp lý mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự nhẹ dạ đang bị lợi dụng trong thời đại số.
Vì sao một lực lượng trẻ, được cho là có tri thức và tiếp cận công nghệ tốt, lại dễ dàng trở thành mắt xích trong những đường dây tội phạm mạng?
Theo nhận định của giới chuyên gia, nhiều sinh viên đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các mắt xích như mở hộ tài khoản ngân hàng, nhận chuyển tiền giúp, cho thuê thông tin cá nhân hoặc làm cộng tác viên cho các nền tảng giả mạo. Những hành vi này đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật nếu có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động phi pháp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt – nhận định: “Trong vụ án này, nếu xác định rõ cá nhân nào biết đây là hành vi lừa đảo hoặc nhận thức được nguồn tiền là bất hợp pháp nhưng vẫn cố tình tham gia, thì cần xử lý nghiêm theo đúng chế tài của Bộ luật Hình sự”.
Theo luật sư Luân, việc xử lý nghiêm minh là cần thiết để răn đe trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, đặc biệt khi nhiều người trẻ đang coi nhẹ hậu quả pháp lý từ các hành vi “việc nhẹ, tiền nhanh”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, không thể áp dụng một khung xử lý cho tất cả. Việc đánh giá kỹ lưỡng từng trường hợp là cần thiết để tránh oan sai, đồng thời thể hiện sự công tâm và nhân văn của pháp luật.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts – bổ sung: “Không ít sinh viên bị lôi kéo mà không ý thức được tính chất pháp lý của hành vi. Họ không có động cơ chiếm đoạt tài sản, chỉ nghĩ đang làm công việc online hoặc giúp người khác chuyển tiền. Với nhóm này, cần xử lý đúng mức độ, đặt yếu tố giáo dục lên hàng đầu thay vì trừng phạt cứng nhắc”.
Các chiêu trò mạo danh tuyển cộng tác viên, việc làm tại nhà với thu nhập hấp dẫn vốn không còn mới. Dù nhiều lần được cảnh báo, vẫn có không ít sinh viên bị lôi kéo vào hệ thống “chốt đơn”, “giới thiệu bạn bè”, hay “đầu tư sinh lời cao”, vô tình trở thành công cụ cho các đường dây rửa tiền trá hình.
Trong một số vụ án trước đây, đã có những sinh viên bị khởi tố vì hành vi bán tài khoản ngân hàng hoặc tiếp tay chuyển tiền. Nhiều người khai rằng họ thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc đơn giản nghĩ đó chỉ là “kiếm tiền online”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, với vụ án Mr Pips, việc hơn 1.000 sinh viên cùng dính líu là điều chưa từng có. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi phạm tội có yếu tố chủ động, có nhận thức rõ sai phạm mà vẫn tiếp tay, thì việc xử lý nghiêm là hoàn toàn cần thiết.
Song, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, với những trường hợp bị dụ dỗ, thiếu nhận thức, hoặc có thái độ hợp tác, thì cần được phân loại kỹ để tránh cực đoan trong áp dụng pháp luật. Bởi, pháp luật cần nghiêm để giữ kỷ cương. Nhưng nghiêm đúng người, đúng hành vi và đúng bản chất mới là công lý.