Mỗi năm, mùa hoa dã quỳ của núi Chư Đăng Ya huyện Chư Păh như một điểm nhấn của du lịch Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung trên bước đường hội nhập du lịch.
>>Sắc màu Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya nổi lên như một cánh diều no gió trong mùa thu. Trước, trong và sau lễ khai mạc Chư Đăng Ya mỗi ngày đón hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng màu vàng của hoa dã quỳ. Khi du khách đến đây chơi, chụp ảnh lưu niệm thì những dịch vụ đi kèm như ăn uống, xe đưa đón, điểm nghỉ trưa cũng phát triển và hoạt động hết công suất.
Nhiều gia đình còn tận dụng cả vườn chuối để làm điểm mắc võng nghỉ trưa. Có gia đình thì tận dụng cái cây cao để làm điểm bán nước mía, nước ngọt. Tất cả đều chung mục đích phục vụ khách đến ngắm hoa dã quỳ. Điều này đã thúc đẩy kinh tế của người dân làng Ia Gri nói riêng và xã Chư Đăng Ya nói chung.
Sau nhiều lần tổ chức, lễ hội hoa dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya đã có danh tiếng nhất định. Khâu tổ chức dần đi vào hoàn thiện và cũng đã thu hút được lượng khách đông đảo, nhất là kích cầu du lịch trong tỉnh.
Dựa vào lễ hội, huyện Chư Păh cũng đã giới thiệu nhiều đặc sản địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu để du khách mua về làm quà, tặng người thân như: cà-phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, cá thát lát sông Sê San; các quầy hàng sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ; sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện như: nấm các loại, mật ong, dầu phộng ép lạnh... Đặc biệt, tại chân núi Chư Đăng Ya người dân cũng đã trồng cây dong riềng làm nên món miến dong riềng thơm ngon.
Ngoài ra một số sản phẩm khác như khoai mật và các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Không chỉ các sản phẩm nông nghiệp mà các sản phẩm văn hóa như dệt thổ cẩm, tạc tượng dân gian cũng rất thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít những hạn chế. Hàng quán lấn chiếm đường đi, ẩm thực ăn tại chỗ vẫn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh. Đặc biệt là lễ khai mạc người ta thấy thiếu lãnh đạo của Tỉnh ủy hay UBND tỉnh. Điều này cho thấy cấp tỉnh vẫn chưa có thực sự quan tâm đến lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya.
Sau lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya vẫn tiếp tục đón khách thập phương đến thưởng ngoạn. Và người dân tại nơi đây được đã được hưởng cơ hội cải thiện kinh tế nhưng ngắn. Chư Đăng Ya cũng cho thấy sức hấp dẫn riêng của sắc vàng hoa dã quỳ và cũng từ đây cho địa phương thấy làm sao để có nhiều Chư Đăng Ya hội tụ trong tỉnh Gia Lai hơn nữa. Có như vậy ngành du lịch của tỉnh nhà chắc chắn sẽ phát triển và nhanh chóng hòa nhập sâu rộng với khu vực Tây Nguyên.
Như một du khách từ Phú Yên lên Gia Lai dịp 30/4 đã có nhận xét: "Gia Lai còn nghèo nàn về dịch vụ du lịch lắm, được vài cái thác, núi Chư Đăng Ya, không có điểm chơi. Chưa kết nối được du lịch truyền thống với du lịch sinh thái hiện đại. Xây dựng chương trình du lịch chưa gắn kết với văn hóa truyền thống của người thiểu số. Muốn phát triển du lịch thì cần nhìn vào thực tế để xây dựng kế hoạch dài hạn, gắn với nông nghiệp, văn hóa."
Có thể bạn quan tâm