“Vực dậy” du lịch đường thủy Đà Nẵng

TUẤN VỸ 19/11/2022 04:00

Dù Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch đường thủy nội địa, song đến nay các sản phẩm du lịch này vẫn chưa được phát triển theo đúng định hướng.

>>Số hóa ngành du lịch Đà Nẵng

Việc định hướng lại du lịch đường thủy nội định đang là nhu cầu cấp bách nhằm thúc đẩy phục hồi ngành du lịch của thành phố nói chung và du lịch đường thủy nói riêng.

p/Du lịch đường thủy nội địa sẽ là sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng nếu được đầu tư hạ tầng phù hợp.p/Ảnh: Công Tâm

Du lịch đường thủy nội địa sẽ là sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng nếu được đầu tư hạ tầng phù hợp. Ảnh: Công Tâm

Sớm quy hoạch hệ thống kết nối

Để phát triển du lịch đường thủy nội địa, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng đề án nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc.

Cùng với đó, địa phương sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, đội tàu, dịch vụ, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, chuyên nghiệp. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển mạng lưới đường thủy từ bờ ra đảo liên kết với các địa phương khu vực phía Nam, phía Bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khai thác hoạt động du lịch bến du thuyền.
“Đà Nẵng định hướng sẽ xây dựng hệ thống bến thủy nội địa được xếp hạng tương đồng với hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn và các dịch vụ du lịch khác. Song song, phát triển đa dạng với các loại hình mới của đội tàu du lịch, đầu tư hoàn thiện các điểm đến du lịch, các khu vực biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ bán lẻ, chuỗi nhà hàng đặc sản, khách sạn gần các bến thủy nội địa để du khách có thể tiếp cận dễ dàng từ du thuyền cá nhân”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch; đồng thời bổ sung quy hoạch một số tuyến đường thủy từ bờ ra đảo đến một số địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, kết nối tuyến đường thủy từ sông Hàn - Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ưu tiên doanh nghiệp đầu tư

Nhằm tạo động lực để du lịch đường thủy nội địa phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố Đà Nẵng cần chú trọng kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng, bến thủy nội địa,... để phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị kinh doanh tàu du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn,... để đưa du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực.

Để làm được việc đó, Đà Nẵng cần “bắt tay” với doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới thu hút, hấp dẫn du khách. Trong đó, xem xét mở rộng về phía Tây, phát triển sản phẩm phù hợp xu hướng du lịch bền vững, kết hợp văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để kéo khách đến với các vùng xa, du lịch cộng đồng,...

Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event, cho rằng Đà Nẵng cần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Trong đó, chính quyền cần mở thêm cơ chế, triển khai phương án, theo đó các doanh nghiệp sẽ đầu tư kinh phí thực hiện và bán sản phẩm tại các địa điểm cảng, bến.

“Đà Nẵng có thể hình thành hàng chục bến thủy ở dọc tuyến sông Đà Nẵng kéo dài lên phía Tây thành phố để phục vụ khách du lịch. Tại mỗi khu vực cần có hệ thống sản phẩm riêng biệt, không trùng lặp để du khách được trải nghiệm, không gây nhàm chán. Đích đến cuối cùng sẽ là khu vực du lịch cộng đồng tại huyện Hòa Vang, nơi có các văn hóa của người đồng bào, hoạt động chèo kayak, camping, mạo hiểm,...”, ông Lê Thiên Tư đề xuất.

Cũng theo ông Lê Thiên Tư, xu hướng mới của du lịch là trải nghiệm, có trách nhiệm nên du lịch đường thủy nội địa của Đà Nẵng cũng cần hướng tới việc gia tăng hoạt động nhiều hơn, như đánh bắt thủy sản, hoạt động nông nghiệp tại điểm cập tàu, tham quan địa điểm văn hóa,... “Làm được như vậy, Đà Nẵng cũng sẽ mở rộng được không gian du lịch, giảm áp lực cho khu vực thành thị song hành với việc đưa du lịch đường sông trở thành thế mạnh của địa phương”, ông Lê Thiên Tư nhấn mạnh.

Ngoài ra, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cần kêu gọi các doanh nghiệp đóng tàu mới phù hợp để đưa khách tham quan, lưu trú tại khu vực vịnh Đà Nẵng. Cùng với đó, ưu tiên phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà để hoàn thiện cho khách được trải nghiệm. Đặc biệt, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cần tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch; đồng thời tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm.

Có thể bạn quan tâm

  • Số hóa ngành du lịch Đà Nẵng

    Số hóa ngành du lịch Đà Nẵng

    03:00, 28/10/2022

  • Du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu sản phẩm để thu hút “khách Tây”

    Du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu sản phẩm để thu hút “khách Tây”

    14:07, 15/09/2022

  • Du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu sản phẩm để thu hút “khách Tây”

    Du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu sản phẩm để thu hút “khách Tây”

    04:00, 11/09/2022

  • Vietjet Air sẽ sơn tàu bay mang thương hiệu du lịch Đà Nẵng

    Vietjet Air sẽ sơn tàu bay mang thương hiệu du lịch Đà Nẵng

    17:04, 26/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vực dậy” du lịch đường thủy Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO