Là thành phố du lịch, song Đà Nẵng vẫn đang thiếu các sản phẩm thiên về du lịch xanh, cộng đồng, sinh thái,... để thu hút được “khách Tây”, lượng khách được đánh giá là chịu chi.
>>Mở thêm cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác thải
Trong 8 tháng đầu năm 2022, TP.Đà Nẵng đã đón hơn 2,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 90% là khách nội địa.
Thiếu lý do để “khách Tây” ở lại
Xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội lấy du lịch làm mũi nhọn, TP.Đà Nẵng đã tập trung xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng, xúc tiến, quảng bá,... để thu hút các thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây địa phương đã có phần phụ thuộc vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ,...
Đối với các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ,... Đà Nẵng vẫn thiếu các sản phẩm trọng tâm để thu hút khách du lịch đến để tiêu tiền. Trong đó, xu thế du lịch xanh, trải nghiệm, mạo hiểm,... chính là các loại hình du lịch mà thị trường này quan tâm và lựa chọn nhiều tại các địa phương liền kề như Hội An, Huế.
Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event nhìn nhận các hiện tại các sản phẩm du lịch vùng thành thị và ven biển của Đà Nẵng đường như đã bão hòa và thiếu đi tính hấp dẫn với lượng “khách Tây”. Theo ông Tư, Đà Nẵng cần hiểu các thị trường khách này muốn gì để xây dựng các sản phẩm phù hợp để nắm bắt nhu cầu du lịch mới.
“Hiện tại, Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra lý do để khách Âu, Mỹ ở lại với thành phố để trải nghiệm và tiêu tiền. Có thể nhìn Hội An, ngoài giá trị về di sản họ còn có nhiều tour du lịch về trải nghiệm đồng quê, làng nghề,... và đó là các giá trị mà khách Tây rất thích. Đà Nẵng cũng có các khu vực để phát triển du lịch xanh, cộng đồng tại khu vực phía Tây nhưng vẫn chưa phát triển được khi các cơ chế còn “khô và cứng”, ông Tư nói.
Cũng theo vị này, việc xây dựng sản phẩm cần phải dựa trên nhu cầu và xu thế du lịch của thế giới. Trong đó, xu thế xanh, cộng đồng, có trách nhiệm chính là lĩnh vực cần được chú trọng hơn trong tương lai nên cần được khai thác triệt để.
“Doanh nghiệp là lực lượng xây dựng sản phẩm, do đó rất cần địa phương mở thêm cơ chế, cơi nới chính sách để có thể hoạt động, phát triển. Nếu không sớm thông qua các đề án mà doanh nghiệp đề xuất, Đà Nẵng sẽ càng đi sau các địa phương khách về phát triển du lịch xanh, đánh mất cơ hội tiếp cận các thị trường khách quốc tế ưa trải nghiệm, khám phá và chịu chi tiêu. Đồng thời cũng sẽ gây lãng phí tài nguyên du lịch của thành phố”, ông Lê Thiên Tư nói thêm.
Giải pháp nào?
Trong giai đoạn khôi phục du lịch, TP.Đà Nẵng đã liên tiếp xúc tiến các thị trường khách quốc tế truyền thống. Cùng với đó, cũng kết nối được với nhiều thị trường mới sau các sự kiện lớn như Diễn đàn đường bay châu Á 2022.
Để ngành du lịch phát triển hơn nữa, địa phương cần sớm mở rộng không gian du lịch, giảm áp lực cho khu vực thành thị. Cùng với đó, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực,... phù hợp với xu thế mới của du lịch. Qua đó, phát triển ngành du lịch theo hướng đa dạng, đồng đều giữa các khu vực và tiếp cận nhiều thị trường quốc tế.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nếu muốn nhắm vào thị trường khách sang, chi tiêu cao tại các thị trường xa thì địa phương cần đầu tư hạ tầng, dịch vụ phù hợp, nâng cấp giao thông,... Đối với hệ sinh thái sản phẩm, các doanh nghiệp cũng phải hình thành các gói sản phẩm hấp dẫn để thu hút du khách tại các thị trường mới.
“Về công tác quản lý Nhà nước, điểm đến nguồn khách, cần phải tạo môi trường, không gian, luồng giao thông riêng để phục vụ du lịch. Công tác xúc tiến cần được thực hiện trực tiếp đến các thị trường quan tâm, phải có các hãng hàng không mở các đường bay thì mới đưa khách đến thành phố nhanh được. Đồng thời, cần liên kết với Quảng Nam và Huế để tạo tour liên tuyến, qua đó có thêm nhiều sản phẩm dựa vào giá trị di sản của địa phương bạn”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.
Đối với các sản phẩm du lịch xanh và mở rộng không gian du lịch về phía Tây, ông Dũng cho rằng sẽ có cơ chế riêng để phát triển. Qua đó tạo nên mảng riêng để bù đắp những thiếu sót cho du lịch của thành phố đã bỏ quên từ lâu.
“Thành phố đã có chủ trường, doanh nghiệp cần kết nối và làm nhanh hơn nữa công tác xây dựng sản phẩm. Trong đó, lập phương án đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng,... sau đó trình Sở Du lịch xem xét và thông qua”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm