Mới đây, TP Hà Nội đã đề xuất khung giá thuê nhà ở xã hội đối với từng loại chiều cao công trình. Trong đó, mức giá thuê cao nhất là 198.000 đồng/m2/tháng.
UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo Quyết định ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, được đầu tư xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn TP.
Cụ thể, khung giá thuê nhà ở xã hội được đề xuất đối với tòa nhà ở xã hội có chiều cao từ 10 tầng trở xuống, giá thuê từ 48.000 - 96.000 đồng/m2/tháng; tòa nhà ở xã hội có chiều cao từ 10 - 20 tầng, có giá thuê từ 49.000 - 98.000 đồng/m2/tháng; tòa nhà ở xã hội cao từ 20 - 30 tầng, có giá mức thuê từ 73.000 - 146.000 đồng/m2/tháng; tòa nhà ở xã hội có chiều cao trên 30 tầng trở lên, có mức giá thuê từ 99.000 - 198.000 đồng/m2/tháng.
Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; chi phí bảo trì công trình; giá dịch vụ quản lý vận hành; chi phí mua sắm trang thiết bị nội thất, đồ dùng sinh hoạt trong nhà ở xã hội cho thuê; kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc, thù lao cho Ban quản trị nhà ở xã hội và chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở xã hội.
Được biết, hiện nay việc xác định giá thuê loại hình này tại Hà Nội được thực hiện theo Quyết định số 25/2019-QĐ/UBND ngày 5/11/2019 của UBND TP Hà Nội.
Theo đó, đối với dự án nhà ở xã hội không do nhà nước thực hiện (do doanh nghiệp bỏ vốn) trước khi cho thuê, chủ đầu tư có trách nhiệm trình thẩm định giá gửi Sở Xây dựng. Sở có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thông báo kết quả thẩm định gửi chủ đầu tư. Căn cứ kết quả thẩm định giá, chủ đầu tư phê duyệt ban hành giá bán, cho thuê, thuê mua chính thức của dự án trên nguyên tắc không được cao hơn giá đã được thẩm định.
Theo các chuyên gia, giá cho thuê nhà ở xã hội không chỉ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp, mà còn có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Việc công bố khung giá mới sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt là trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân.
Thực tế, những năm vừa qua Hà Nội đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về dân số và tốc độ đô thị hóa, dẫn đến nhu cầu nhà ở ngày càng lớn. Với các mức giá cho thuê được quy định hợp lý, nhiều người dân có thể tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn, góp phần giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng mức giá cho thuê nhà ở xã hội như đề xuất trên đắt ngang so với giá bán nhà thương mại. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng mức giá này là không hợp lý, thậm chí cao hơn nhiều căn hộ thương mại đang cho thuê trên thị trường.
Ông Toản phân tích, căn hộ thương mại với diện tích 60m2 tại Thanh Xuân có mức giá cho thuê là 11 triệu đồng/tháng hay 1 căn chung cư mini 2 phòng ngủ giá thuê cũng chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu theo bảng giá trong đề xuất thì nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà thương mại cho thuê, trong khi lại có vị trí xa trung tâm hơn.
“Tôi cho rằng đề xuất này mang tính thương mại và ít mang tính an sinh xã hội, vì vậy cần phải xem xét lại. Mức giá cho thuê nhà ở xã hội chỉ nên khoảng 5 triệu đồng/tháng thì mới phù hợp với người có thu nhập thấp. Bởi một gia đình có 2 con với thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, nếu thuê nhà ở xã hội mất 10 triệu đồng/tháng (chiếm 50% thu nhập) thì chắc chắn không thể đủ sống tại Hà Nội khi mà giá cả hiện đắt đỏ, chi phí cho học hành cũng rất tốn kém", ông Toản cho biết.
Ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cũng nhận định, với mức giá đề xuất cho thuê nhà ở xã hội cao nhất lên đến 14 triệu đồng/tháng, loại hình nhà này thậm chí còn đắt hơn cả nhà ở thương mại giá rẻ. Hiện nay, nhiều căn hộ diện tích khoảng 40m2 được trang bị đầy đủ nội thất chỉ có giá thuê từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, phù hợp với người có thu nhập thấp vì chỉ chiếm khoảng 1/4 thu nhập hàng tháng của họ.
Nếu giả định thu nhập là 20 triệu đồng mà chi phí thuê nhà đã vượt quá 10 triệu, chắc chắn người thu nhập thấp sẽ không lựa chọn thuê. Họ sẽ ưu tiên thuê các căn hộ chung cư mini ở khu vực trung tâm hơn là phải trả gấp đôi để ở xa trung tâm. "Nếu đề xuất này được thông qua, tôi e rằng nhà xây xong cũng khó có người thuê. Điều này vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa không giải quyết được vấn đề an sinh xã hội", ông Tuấn bày tỏ lo ngại.
Vì vậy, vị chuyên gia đề xuất rằng nhà ở xã hội cần được thiết kế để tối giản các chi phí, qua đó giảm bớt vốn đầu tư. Điển hình như cần nghiên cứu phát triển quỹ đất riêng và xây dựng nhà thấp tầng, không cần xây tầng hầm, nhằm giảm chi phí xây dựng.