Bất động sản

Nhận diện các nhóm hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Gia Nguyễn 28/10/2024 16:46

Cùng với những tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản nói chung, thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 28/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-phat-trien-nha-o-xa-hoi-28.10.5.2.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới yêu cầu: “nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân. Giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân và lực lượng vũ trang”.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn. Và trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề trên chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc. Do đó, rất khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 5000 căn nhà xã hội mà Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng.

Nhằm góp phần khắc phục khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội và đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, đại biểu đề nghị bổ sung vào Nghị quyết: Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

“Như vậy sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp, thống nhất về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Luật Nhà ở năm 2023; tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chủ động triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của một phần cán bộ lực lượng vũ trang hiện nay”, đại biểu bày tỏ.

quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-phat-trien-nha-o-xa-hoi-28.10.5.1.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng giải trình về một số vấn đề các đại biểu nêu, trong đó có vấn đề về tín dụng phát triển nhà ở xã hội - Ảnh: Media Quốc hội

Còn theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đối với việc phát triển nhà ở xã hội, qua kết quả giám sát và thực tế tại các địa phương cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, đặc biệt là nhiều quy định có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong thi hành, nhất là đối với quy định chuyển tiếp.

Ví dụ, việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị vẫn còn nhiều bất cập do chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân, dẫn đến có nơi, nhà ở xã hội đã xây dựng thì bỏ không, trong khi đó, nơi có nhu cầu thì lại thiếu nguồn cung, do chưa có quy định bắt buộc về thời hạn, dẫn đến chủ đầu tư kéo dài thời gian xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích theo quy định, phải chờ sau 5 năm mới được bán, gây nhiều lãng phí nguồn lực xã hội, giảm hiệu quả thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng chưa đủ sức hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có biện pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế này.

Liên quan vấn đề phát triển nhà ở xã hội, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, về tín dụng nhà ở xã hội, trong Báo cáo giám sát đã chỉ ra thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối và đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế.

Trên thực tế, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, bộ ngành tập trung các giải pháp để mà phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để mà xây dựng những xóa nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhận diện các nhóm hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO