Sự trỗi dậy của đối thủ, sự chững lại trong nhu cầu vật liệu xây dựng do dịch COVID-19 bùng phát sẽ tạo ra các thách thức cho quá trình phục hồi kinh doanh của Nam Kim trong năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020, CTCP Thép Nam Kim (HOSE – Mã chứng khoán: NKG) đặt chỉ tiêu sản lượng bán hàng 750.000 tấn, tăng 11% so với kết quả năm trước nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế cao hơn tới 326%, tương ứng 200 tỷ đồng. Một kế hoạch có vẻ "quá sức" với doanh nghiệp này.
Bởi, khi nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2019 của Thép Nam Kim có thể thấy sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, NKG đạt doanh thu thuần 12.177 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 47,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 17,8% và 17,5% so với năm 2018, đồng thời thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra (15.500 tỷ đồng doanh thu và 295 tỷ đồng lãi ròng).
Thị trường thép năm 2020 được dự báo sẽ còn nhiều biến động về giá và khả năng tiêu thụ do triển vọng ngành chưa nhiều khả quan.
Theo SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép khó có thể phục hồi mạnh. Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành ước tính tiếp tục duy trì ở mức thấp 5-7% do thị trường bất động sản chững lại, đi kèm với việc chậm trễ trong tiến độ đầu tư công.
Trong bối cảnh không nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp thép đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, mở rộng dư địa tăng trưởng.
Với NKG, để giảm áp lực khó khăn, Công ty đang tập trung giảm hàng tồn kho, đồng thời kiểm soát tốt chi phí bán hàng, chi phí tài chính...
Năm 2020, NKG đã chuẩn bị cho dự án mới khi thành lập công ty con và nhà máy ống thép mới. Nhà máy dự kiến có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng và tổng công suất 150.000 tấn/năm được đặt tại Khu công nghiệp Hậu Cần (Cảng Tam Hiệp, Quảng Nam).
NKG vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc, bán vốn tại một số mảng đã đầu tư. Trước đó, NKG đã hoàn tất việc bán một số nhà máy, chẳng hạn bán Nhà máy Nam Kim 1 cho Công ty sứ Minh Long.
Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho biết sản lượng tiêu thụ ống thép của Nam Kim năm 2019 đã giảm 46,8% khiến thị phần của công ty này giảm từ 6,6% xuống 3,5%.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 27/08/2019
05:00, 23/05/2019
05:00, 13/05/2019
Đánh giá về sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép trong nước, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng tăng trưởng ổn định trong doanh số bán trong nước của Nam Kim năm 2019 phần nào đến từ việc Hoa Sen giảm tăng trưởng sản lượng nhằm duy trì khả năng sinh lời thông qua giảm chi phí và nợ, cũng như tái cơ cấu hệ thống bán lẻ.
Năm 2019, Thép Nam Kim duy trì doanh số bán hàng trong nước với tổng doanh thu nội địa là hơn 8.745 tỷ đồng, tăng hơn 9,8% so với năm 2018.
Tuy nhiên, khi kết quả kinh doanh cốt lõi của Hoa Sen đang cải thiện, VCSC kỳ vọng mức độ cạnh tranh cho thị phần trong nước sẽ dần trở nên nóng hơn trong năm 2020.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên mảng tôn mạ. Giá thép cán nóng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6%, xuống 470 USD/tấn trong tháng 2. Tuy nhiên, trong quí I/2020, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vẫn sẽ duy trì được lợi nhuận nhờ lượng tồn kho giá thấp từ tháng 10 - 11 năm ngoái, VDSC nhận định.
Tuy vậy, giá thép cán nóng thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim. Ngoài ra, do cầu tôn mạ thấp tại Trung Quốc nên các nhà sản xuất tại đây cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, làm giảm giá tôn mạ tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu khác của Thép Nam Kim.
Diễn biến này cùng với kỳ vọng về sự chững lại trong nhu cầu vật liệu xây dựng của cả thị trường trong nước và xuất khẩu do dịch COVID-19 bùng phát sẽ tạo ra các thách thức cho quá trình phục hồi kinh doanh của Nam Kim trong năm 2020.
VCSC giả định thời gian đỉnh điểm của dịch COVID-19 sẽ dần rõ nét vào cuối quý I/2020 và hoạt động kinh doanh của Nam Kim sẽ dần trở lại mức thông thường từ quý II/2020. VCSC dự báo tổng sản lượng bán tấm tôn mạ và ống thép của Nam Kim trong năm 2020 ở mức 659.000 tấn. Doanh thu thuần của Nam Kim được VCSC dự báo ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với năm 2019.
Năm 2020, ngành thép tiếp tục được dự đoán đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch virus corona của Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research) đã ra quan điểm rằng nhu cầu thép tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, giá bán thép trong nước có thể chịu tác động gián tiếp bởi giá thép thế giới trong trường hợp hoạt động xây dựng ở Trung Quốc chững lại.
Trong khi đó, CTCK VNDirect đánh giá, giao thương giữa dịch bệnh sẽ gặp khó khăn, một số ngành sản xuất tại Trung Quốc có thể bị đình trệ gây gián đoạn nguồn cung. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng, bao gồm ngành sản xuất thép dẹt (nhập khẩu thép cuộn cán nóng - HRC). Ngoài ra, ngành thép hiện còn đang đối mặt với độ chênh lệch giữa cung và cầu khi tiêu thụ nội địa chỉ đạt khoảng 9 - 10 triệu tấn/năm so với tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 30 triệu tấn/năm.